Đấu giá lô càphê đặc sản ngon nhất Việt Nam: Giá lên đến 1,2 triệu đồng mỗi kg
Lô càphê Arabica của Công ty TNHH Pun Coffee, được trồng ở đồi Pun, Km27 Hồ Chí Minh tây, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đã được một khách hàng trả giá lên đến 1,2 triệu đồng/kg.
Ngày 17/8, tại Hà Nội, Phiên đấu giá lô hàng càphê đặc sản ngon nhất Việt Nam lần thứ 2 đã được tổ chức bởi Công ty Simexco Đắk Lắk và Hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột.
Những mẫu càphê đặc biệt được chọn lọc kỹ từ cuộc thi Vietnam Amazing Cup 2024 đã được đưa ra đấu giá. Theo đó, có 9 mẫu càphê Robusta và 6 mẫu càphê Arabica đến từ các cá nhân và đơn vị.
Đặc biệt, lô càphê Arabica của Công ty TNHH Pun Coffee, được trồng ở đồi Pun, Km27 Hồ Chí Minh tây, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã được một khách hàng trả giá lên đến 1,2 triệu đồng/kg (lô 30kg). Đây là vùng trồng có độ cao trung bình 580m.
Tại phiên đấu giá, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk, chia sẻ với sứ mệnh nâng cao giá trị càphê Việt Nam trên thị trường quốc tế, Simexco Đắk Lắk không ngừng nỗ lực trong việc tìm kiếm và phát triển những sản phẩm cà phê chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất và phát triển bền vững.
Theo ông ông Lê Đức Huy, nông dân đã rất vất vả để có được các sản phẩm càphê đặc sản. Đấu giá là cơ hội để các nhà rang xay, các đơn vị thu mua có thể sở hữu những lô hàng càphê đặc sản hàng đầu Việt Nam.
Những lô hàng này không chỉ là kết quả của quá trình lao động miệt mài của người nông dân mà còn là thành quả của sự sáng tạo và đam mê trong việc nâng tầm hương vị càphê Việt. Qua đây cũng từng bước nâng giá trị cũng như thương hiệu cho cà phê Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận gần hơn nữa với người tiêu dùng.
Năm nay, giá càphê tăng cao, tuy rất khó khăn với các nhà rang xay, nhưng càphê đặc sản xuất khẩu vẫn tăng cả về sản lượng và giá trị. Càphê đặc sản đã là đường dẫn cho cà phê thương mại của Việt Nam. Hiện nay, càphê Việt Nam đã được quy định rõ trong sản phẩm của các nhà rang xay trên thế giới, đó là đã có thông tin về sự truy xuất nguồn gốc là từ Việt Nam, ông Lê Đức Huy cho biết thêm.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột, cho biết càphê đặc sản tại Việt Nam mới phát triển khoảng 10 năm trở lại đây. Để sản xuất được cà phê đặc sản thì cần phải quan tâm đến người sản xuất ra loại càphê này. Nhưng quan trọng hơn là khi đã sản xuất ra thì việc đưa ra thị trường sẽ như thế nào. Đó là sự kết nối với các nhà rang xay, nhà thương mại trong nước và trên thế giới.
"Đấu giá là hình thức nâng cao giá trị, danh tiếng của các vùng sản xuất càphê đặc sản. Thường đấu giá với sản lượng không lớn, song giá rất cao, tăng 6-7 lần so với giá càphê thông thường. Việc tham gia đấu giá vừa tăng giá trị vừa tăng uy tín của các chủ sở hữu, qua đó cũng giới thiệu với khách hàng quốc tế biết rằng Việt Nam có các lô hàng cà phê rất đặc sắc. Đây là động lực để người nông dân phát triển sản xuất cà phê đặc sản," ông Trịnh Đức Minh cho hay.
Đến từ nông trại Hợp tác xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Trí Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Ea Tân cho biết, hợp tác xã giới thiệu càphê đặc sản Robusta từ cao nguyên Đắk Lắk, tâm huyết của người nông dân đến với những người uống càphê trong và ngoài nước. Đây cũng là lần thứ hai hợp tác xã tham gia đấu giá.
Lần đầu tiên tham gia, sản phẩm của hợp tác xã có giá 350.000 đồng/kg, nhưng tại lần thứ 2 này, sản phẩm càphê của hợp tác xã đã được trả với giá 610.000 đồng/kg đến từ doanh nghiệp người Ba Lan. Đây là mức giá vượt cả kỳ vọng của hợp tác xã./.