Dầu đi ngược chiều ​xu hướng chung trên thị trường hàng hóa châu Á

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 28 xu Mỹ (0,3%) xuống 87,79 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 31 xu Mỹ (0,4%) xuống 83,43 USD/thùng.

Vàng miếng được bày bán tại Sàn giao dịch vàng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Giá vàng châu Á tăng

Giá vàng tăng trong phiên ngày 25/10 do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm. Tuy nhiên, giá vàng thiếu động lực để tăng thêm do nhu cầu trú ẩn an toàn có dấu hiệu giảm sau khi các nhà lãnh đạo trên thế giới tìm cách ngăn chặn cuộc chiến Israel-Hamas lan rộng.

Khép phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.975,61 USD/ounce, sau khi giảm trong hai phiên trước đó và giao dịch dưới mức cao nhất của 5 tháng ghi nhận được trong tuần trước. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ ổn định ở mức 1.986,70 USD/ounce.

Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của City Index cho biết, giá vàng đã tăng hơn 10% trong 10 ngày qua, hướng tới mức kháng cự quan trọng là 2.000 USD/ounce. Tuy vậy, tình hình xung đột ở Trung Đông có vẻ như sẽ không leo thang ngay lập tức, vàng có thể khó phá vỡ ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Hiện tại, sự chú ý của thị trường đang hướng đến số liệu GDP quý 3 của Mỹ, công bố ngày 26/10, bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và chỉ số giá PCE, vào ngày 27/10, trước quyết định chính sách của Fed vào tuần tới.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao cuộc chiến ở Trung Đông khi các nhà lãnh đạo thế giới thúc đẩy nỗ lực tạm dừng hoặc ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza để các viện trợ nhân đạo có thể được chuyển đến người dân Palestine bị bao vây.

Chỉ số đồng USD giảm trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm nhẹ khi các nhà đầu tư mua vào đợt bán tháo gần đây trong bối cảnh lo ngại về tác động kinh tế của chi phí đi vay cao hơn.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay đi ngang ở mức 22,94 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,3% lên 886,54 USD/ounce, còn giá palladium tăng 0,9% lên 1.129,18 USD/ounce.

Tại Việt Nam, thời điểm 14 giờ 29 phút hôm nay, tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 69,6 - 70,32 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Giá dầu giảm do lo ngại kinh tế

Giá dầu giảm phiên thứ tư liên tiếp tính đến ngày 25/10 do những lo ngại về nhu cầu chậm lại ở châu Âu đã lấn át những lo ngại gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông.

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 28 xu Mỹ (0,3%) xuống 87,79 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 31 xu Mỹ (0,4%) xuống 83,43 USD/thùng.

Dữ liệu của Euroilstock cho hay hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro đã bất ngờ suy giảm trong tháng này, cho thấy khối này có thể rơi vào suy thoái, tạo ra lực cản đối với triển vọng nhu cầu dầu mỏ. Nhìn chung, các nhà máy lọc dầu trong khu vực này đã tiêu thụ ít dầu thô hơn so với một năm trước trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế yếu ớt.

[Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh, vàng châu Á rời mức cao nhất 5 tháng]

Các quốc gia đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận tạm dừng hoặc ngừng bắn để những viện trợ nhân đạo có thể được chuyển đến người dân Palestine bị bao vây. Các nhà lãnh đạo của Mỹ và Saudi Arabia ngày 24/10 đã thảo luận về những nỗ lực ngăn chặn xung đột gia tăng, lan đến các nước sản xuất dầu lớn, trong đó có Iran.

Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho, cho biết giá dầu giảm cùng lúc với chỉ số PMI của châu Âu giảm nhẹ, cho thấy ít nhất một số yếu tố giảm từ phía cầu, thay vì hoàn toàn do các mối đe dọa gián đoạn nguồn cung liên quan đến cuộc chiến đang diễn ra.

Giá dầu thô có thể tìm thấy một số hỗ trợ khi chính quyền Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, phê duyệt dự luật phát hành 1.000 tỷ NDT (137 tỷ USD) trái phiếu chính phủ và cho phép chính quyền địa phương phát hành khoản nợ mới từ hạn ngạch năm 2024 của họ để thúc đẩy kinh tế.

Tuy nhiên, nhu cầu dầu thô ở Trung Quốc có thể bị hạn chế khi Bắc Kinh đặt mức trần cho công suất lọc dầu ở mức 1 tỷ tấn vào năm 2025 để hợp lý hóa lĩnh vực chế biến dầu rộng lớn và hạn chế lượng khí thải carbon.

Dự trữ dầu thô của Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, giảm cũng hỗ trợ giá. Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của

Viện Dầu khí Mỹ (API) ngày 24/10, luọng dầu trong các kho của Mỹ đã giảm khoảng 2,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 20/10.

Mức giảm này trái ngược với dự báo tăng trung bình 200.000 thùng mà các nhà phân tích đưa ra. Dữ liệu của API cho thấy dự trữ xăng đã giảm khoảng 4,2 triệu thùng, trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm khoảng 2,3 triệu thùng.

Số liệu chính thức của chính phủ về dự trữ xăng dầu Mỹ sẽ được công bố ngày 25/10 theo giờ địa phương.

Kế hoạch chi tiêu của Trung Quốc hỗ trợ thị trường chứng khoán châu Á

Cùng ngày, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á tăng sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch phát hành 1.000 tỷ NDT (137 tỷ USD) trái phiếu chính phủ để thúc đẩy chi tiêu cơ sở hạ tầng.

Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,7% lên 31.269,92 điểm. Tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng tăng 0,6% lên 17.085,33 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 0,4% lên 2.974,11 điểm.

Chứng khoán Đài Bắc, Manila, Jakarta và Bangkok đều tăng, trong khi chứng khoán Seoul, Singapore, Mumbai và Wellington giảm.

Hãng tin THX ngày 24/10 cho hay động thái trên của Trung Quốc sẽ nâng tỷ lệ thâm hụt tài chính năm 2023 lên tương đương khoảng 3,8% tổng sản phẩm quốc nội, cao hơn mức 3% thường được coi là giới hạn của Trung Quốc.

Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 4,24 điểm (0,36%) xuống 1.101,66 điểm, còn HNX-Index giảm 1,89 điểm (0,83%) xuống 227,01 điểm./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)