Dấu ấn trong xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam-CHDC Đức
Hợp tác lao động với Cộng hòa Dân chủ Đức đã giúp thế hệ lao động Việt Nam những năm 1980-1990 học hỏi và tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại.
Tối 3/10, đúng ngày kỷ niệm nước Đức thống nhất, gần 200 người, nguyên là cán bộ, phiên dịch Đội hợp tác lao động thời Cộng hòa Dân chủ Đức, hiện đang sống và làm việc trên khắp nước Đức đã tề tựu tại Berlin trong buổi gặp mặt lần đầu tiên sau khoảng từ 30-40 năm kể từ khi sang lao động theo chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Đức.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quốc Hùng - Trưởng Ban tổ chức - đã chào đón mọi người, cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua trong sự nghiệp hợp tác lao động giữa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Đức, một chương trình hợp tác quốc tế đầy ý nghĩa, không chỉ góp phần giúp đất nước phát triển, tiến bộ về mặt kinh tế và khoa học-kỹ thuật, mà còn là dấu ấn quan trọng trong việc xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc.
Theo ông Hùng, hợp tác lao động đã giúp thế hệ lao động Việt Nam những năm 1980 và 1990 học hỏi và tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam sau này.
Trong hành trình ấy, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của các cán bộ, phiên dịch và đội trưởng - những người mà Nhà nước đã tin tưởng giao phó, cử đi để dẫn dắt, quản lý và hỗ trợ lực lượng lao động Việt Nam.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phạm Huy Phương - Bí thư thứ nhất, Thường trực ban Công tác Cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức - đã ghi nhận và cảm ơn những đóng góp của lao động Việt Nam nói chung và các nguyên cán bộ, phiên dịch, đội trưởng hợp tác lao động nói riêng trong thời kỳ 1980-1990.
Ông Phương khẳng định cán bộ, phiên dịch, đội trưởng - những người quản lý trực tiếp lực lượng lao động Việt Nam, là thế hệ xuất sắc, được Nhà nước Việt Nam đào tạo bài bản và được cử sang Cộng hòa Dân chủ Đức giúp đỡ cộng đồng, những người lao động sớm hội nhập và làm việc, học hỏi kỹ thuật để mang kiến thức về xây dựng đất nước.
Một số trong những người con ưu tú này, chọn Đức làm quê hương thứ hai cũng đều có những thành công trong các lĩnh vực của mình và được xã hội Đức ghi nhận.
Ông Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, Tổng Giám đốc Trung tâm thương mại Đồng Xuân, cũng từng là một đội trưởng lao động - chia sẻ ở Đức có gần 200 hội đoàn người Việt và thật vui khi rất nhiều trong số các hội đoàn này đều bắt nguồn từ những thành viên, là cựu cán bộ, phiên dịch, đội trưởng hợp tác lao động trước đây. Họ là những người không chỉ có kiến thức, mà còn có trình độ ngoại ngữ, giúp làm cầu nối đưa những hoạt động của cộng đồng người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè Đức và quốc tế.
Theo ông, với sự gặp gỡ, kết nối, chắc chắn những hội đoàn của cộng đồng Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức sẽ hội nhập thành công hơn, đóng góp cho quê hương thứ hai nhiều hơn, cũng như hướng về Tổ quốc hơn.
Có thể nói, sau thời kỳ lao động và làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Đức, lớp cán bộ, phiên dịch và đội trưởng hợp tác lao động đã không ngừng học hỏi, tiếp thu những kiến thức và kỹ thuật mà khi trở về nước, họ đã mang theo tri thức và kinh nghiệm quý báu, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Những đóng góp của họ không chỉ giúp Việt Nam phát triển kinh tế, mà còn góp phần xây dựng một lực lượng lao động có kỷ luật, có chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao./.