Đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới để phát huy tối đa vai trò của thanh niên

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng có rất nhiều việc trong thời gian tới cần đặt ra những nhiệm vụ mới đối với thanh niên, từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đến thích ứng sau đại dịch...

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Sáng 10/1, Hội nghị Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ hai đã diễn ra tại Hà Nội, với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Bùi Quang Huy.

Trên cơ sở tình hình trong nước và thế giới năm 2022 có tác động trực tiếp đến các vấn đề xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật thanh niên, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy đề nghị các đại biểu dự hội nghị quan tâm thảo luận về kết quả mà các bộ, ngành đã triển khai thực hiện theo lĩnh vực của mình có liên quan chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam nhấn mạnh cần thẳng thắn nhìn nhận những ưu điểm, hạn chế trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, cũng như đóng góp các kiến nghị, đề xuất về phương hướng hoạt động năm 2023 với các nhóm mục tiêu trọng tâm và giải pháp cụ thể, qua đó ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động của Ủy ban, khẳng định rõ vị trí, vai trò là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên.

Tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ đồng tình với các báo cáo, đánh giá cao những kết quả mà Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam đã đạt được trong năm 2022. Phân tích hiệu quả công tác quản lý thanh niên hiện nay, nhiều đại biểu đã chỉ ra các khó khăn, hạn chế, vướng mắc cụ thể.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng công tác triển khai Luật Thanh niên vào thực tiễn đời sống còn nhiều thách thức, mặc dù đã có những điều chỉnh nhất định.

[Đại hội Đoàn XII: Ngày hội của khát vọng tuổi trẻ Việt Nam]

Theo ông Tạ Văn Hạ, tình trạng “khoán trắng” trách nhiệm cho Đoàn Thanh niên còn thể hiện ở việc hiện mới có 7 trong tổng số 22 dự án, đề án trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được xây dựng. Đặc biệt, 6 trong số 7 dự án, đề án cũng do Đoàn Thanh niên làm tác giả.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, hiện việc phối hợp triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên còn không ít khoảng trống, bất cập, nhất là tại các địa phương. Công tác tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo, người đứng đầu sở, ngành, địa phương với thanh niên thiếu bài bản, thậm chí chưa được quan tâm, chưa thực hiện. Hoạt động lồng ghép các chính sách về thanh niên thực hiện chưa tốt, chưa cho kết quả như mong đợi.

Góp ý tại hội nghị, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho rằng cần quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu của thanh niên; phân luồng học nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên. Công tác quản lý nhà nước về thanh niên phải gắn với bốn chữ “tin-giao-tạo-cổ," đó là: tin thanh niên, giao nhiệm vụ, tạo điều kiện và cổ vũ cho thanh niên phát triển.

Khẳng định các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác, chính sách thanh niên đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với lực lượng xung kích đi đầu, có sức trẻ, có tri thức... của đất nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị trong kế hoạch hoạt động năm 2023, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam cần đề ra những nhiệm vụ mang tính cụ thể hơn. Những nhiệm vụ này được xác định xuất phát từ thực tiễn triển khai công tác trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực mà thanh niên trực tiếp tham gia.

“Có rất nhiều việc trong thời gian tới cần đặt ra những nhiệm vụ mới đối với thanh niên, từ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đến thích ứng sau đại dịch, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội... Nhiệm vụ này đặt lên vai ai? Chính là những người có sức trẻ, có kiến thức như thanh niên," Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị các bên liên quan cùng nhìn lại những tồn tại, hạn chế đã nêu tại hội nghị, đưa ra các giải pháp cụ thể để Chính phủ và các địa phương, cơ quan, tổ chức cùng vào cuộc, đồng hành với thanh niên hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường trong tương lai không xa.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Năm 2022, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam đã hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, trong đó có việc tập trung phối hợp đề xuất, xây dựng chính sách về thanh niên, nhất là các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ thuộc Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Ủy ban đã phối hợp với Trung ương Đoàn, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng Đề án “Sách Trắng về thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2023-2027”; xây dựng cơ sở dữ liệu, tổng hợp mô hình, ý tưởng của thanh niên khởi nghiệp; xây dựng dự thảo Bộ Tiêu chí “Vì sự phát triển thanh niên Việt Nam”…

Ủy ban phối hợp các tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai điều tra, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên và công tác thanh niên năm 2022, đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, nguồn lực bảo đảm triển khai, thi hành Luật Thanh niên và các văn bản quy phạm pháp luật về thanh niên còn gặp nhiều khó khăn do phải bố trí từ ngân sách Nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hằng năm; đối thoại thanh niên tại cấp xã chưa được quan tâm; đội ngũ làm công tác quản lý Nhà nước về thanh niên còn thiếu, lúng túng.

Việc xây dựng các chính sách cho trường trung học phổ thông chuyên, trường năng khiếu trọng điểm để có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế chưa đạt kết quả rõ rệt. Tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp chỉ được 15%, không đạt mục tiêu. Trong khi đó, hoạt động tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho các đối tượng nêu trên cũng chưa hiệu quả.../.

Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam+)