Đào tạo nhân lực ngành bán dẫn: Liên kết quốc tế để đẩy nhanh tiến độ
Theo các chuyên gia, liên kết với quốc tế, đặc biệt là những nơi phát triển mạnh về công nghệ bán dẫn là một giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng đào tạo.
Việt Nam đang có cơ hội lớn trong cuộc cách mạng của ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng thách thức lớn nhất là nhân lực. Trong đó, liên kết đào tạo với quốc tế, đặc biệt là các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển mạnh về công nghệ bán dẫn là một giải pháp hiệu quả.
Đây là vấn đề được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo Phát triển nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam và toàn cầu thông qua liên kết giáo dục và doanh nghiệp do Asia University Vietnam (thuộc Viện Đào tạo Đại học Quốc tế FPT, Tập đoàn FPT) tổ chứctổ chức hôm nay, 19/4.
Cơ hội lớn
Chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ, Tập đoàn FPT cho hay ngành bán dẫn toàn cầu đạt doanh thu 620 tỷ USD (năm 2023) và dự báo đạt 1.000 tỷ USD (năm 2030). Việt Nam đang có cơ hội lớn trong cuộc cách mạng bán dẫn khi được xác định là có thể tham gia vào chuỗi giá trị của ngành này. Các công ty lớn đã và đang đầu tư các trung tâm nghiên cứu phát triển bán dẫn tại Việt Nam trong khi các doanh nghiệp trong nước cũng đang đặc biệt quan tâm.
Ông Tú cho hay FPT đã khai trương trung tâm R&D tại Đà Nẵng – hướng đến trở thành “silicon bay” của khu vực. Đến năm 2030, FPT cần khoảng 7.000 nhân sự ngành bán dẫn. FPT đang đẩy mạnh đào tạo thông qua sự hợp tác với hơn 20 đại học toàn cầu.Ông Tú cũng khẳng định thu nhập của kỹ sư ngành này là rất cao và cơ hội cho các sinh viên đang theo đuổi ngành này là rất lớn.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia cho hay ngành bán dẫn được coi là một trong những ngành công nghiệp vô cùng đặc biệt, là ngành lõi nhất của công nghệ thông tin. Dù muốn hay không, một quốc gia muốn độc lập, tự chủ thì phải nắm được công nghệ lõi.

“Ngành bán dẫn liên quan đến cả an ninh, kinh tế. Vì vậy, ở Mỹ, công nghiệp bán dẫn không chỉ được coi đơn thuần là là một ngành kinh tế mà còn là lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia,” ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Chính phủ đã ban hành hai quyết định chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển ngành bán dẫn và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
“Công nghệ bán dẫn có ba khâu: thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Việt Nam có thể tham gia vào khâu đóng gói và kiểm thử nhưng chiến lược quốc gia của Việt Nam là tập trung vào thiết kế,” ông Thịnh cho hay.
Liên kết quốc tế, nâng cao chất lượng
Đứng trước cơ hội lớn nhưng theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của Việt Nam là nhân lực. Việt Nam cần đào tạo từ 50.000 - 100.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030 nhưng hiện con số thống kê cho thấy cả nước chỉ có khoảng trên 5.000 kỹ sư bán dẫn.
Trong khi đó, các trường đại học mới bắt đầu bước vào đào tạo ngành bán dẫn, chưa có đủ nhân sự lẫn cơ sở vật chất khi để đào tạo ngành này cần chi phí lớn với các trang thiết bị đắt đỏ.
Tuy nhiên, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia khẳng định Việt Nam có lợi thế về con người với nền tảng đào tạo toán và khoa học tự nhiên tốt, và đó cũng là lý do Chính phủ định hướng chiến lược là phát triển nhân lực thiết kế chip – khâu then chốt nhất của ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Thịnh cho hay trong ngành chip, Việt Nam đang tập trung phát triển nhân lực vì chưa có nhà máy sản xuất. Ông Thịnh cũng khẳng định Chính phủ rất ủng hộ việc nâng cao chất lượng đào tạo ngành chíp bán dẫn với nhiều giải pháp như hỗ trợ đầu tư 18 phòng thí nghiệm trọng điểm; kết nối các nền kinh tế lớn về sản xuất chíp; hỗ trợ đầu tư các thiết bị, công nghệ đắt đỏ mà các trường đại học không đủ khả năng mua…

Chia sẻ về vấn đề đào tạo nhân lực, ông Hoàng Việt Hà, Viện trưởng Viện Đào tạo Đại học Quốc tế FPT cho hay đơn vị này vừa chính thức ký kết với Đại học Á Châu (Asia University, Đài Loan, Trung Quốc) trong việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Theo đó, sinh viên sẽ học hai năm tại FPT với chương trình đào tạo tập trung về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, sau đó sẽ sang Đài Loan (Trung Quốc) học tiếp hai năm chuyên sâu về công nghệ bán dẫn.
Chương trình được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh nên sinh viên sẽ được học nâng cao năng lực ngoại ngữ trước khi vào học chuyên ngành. Trong quá trình học ở Việt Nam, sinh viên cũng được đào tạo tiếng Trung đảm bảo giao tiếp thành thạo để có thể hoà nhập tốt vào môi trường mới khi sang học ở Đài Loan (Trung Quốc).
Cũng theo ông Hà, việc liên kết đào tạo với Đài Loan (Trung Quốc) có lợi thế lớn khi khoảng cách giữa trường học và doanh nghiệp gần như không có. Vì thế, sinh viên có cơ hội được học tập thực tế ngay trong các doanh nghiệp trong khi Đài Loan (Trung Quốc) lại là “thủ phủ” của ngành công nghiệp bán dẫn, chiếm thị phần lớn trên thế giới. Đây là lợi thế rất lớn để nâng cao chất lượng đào tạo.
Ông Thịnh cho rằng mô hình này phù hợp với định hướng đào tạo nhân lực của Việt Nam. Trong số 50.000 – 100.000 kỹ sư ngành chíp bán dẫn đặt ra đến năm 2030, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia kiến nghị Chính phủ đặt mục tiêu đào tạo nhân lực phần lớn để phục vụ nhu cầu thị trường quốc tế với tư duy phát triển nhân lực trên tinh thần đi để trở về.
“Gần đây chúng tôi cũng đã triển khai cùng hai đại học học lớn tuyển 60 nhân lực đi học thạc sỹ ở các nước phát triển về bán dẫn, các tập đoàn lớn sẽ cấp học bổng. Các cá nhân này sau đó sẽ làm việc ở nước ngoài một thời gian và quay lại Việt Nam,” ông Thịnh nói.
Chia sẻ từ góc nhìn thực tế của đơn vị tuyển dụng, ông Nguyễn Vinh Quang – Tổng Giám đốc FPT Semiconductor, tập đoàn FPT cho hay nhiều sinh viên Việt Nam vẫn phải đào tạo lại sau khi tốt nghiệp do thiếu nền tảng chuyên sâu về bán dẫn. Ông Quang cho rằng các chương trình đào tạo liên kết quốc tế là bước đi chiến lược giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ, phương pháp giảng dạy tiên tiến và nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành bán dẫn toàn cầu./.