Đào tạo nhân lực cho ngành xuất bản chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Theo các chuyên gia, kết quả đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi cần phải đổi mới và nâng cao chất lượng.
"Quy mô và chất lượng đào tạo ngành xuất bản cần phải được đổi mới theo hướng hiện đại, khoa học, bám sát những thay đổi, yêu cầu của thực tiễn ngành nghề và những bước phát triển của ngành xuất bản trong nước và trên thế giới."
Đó là khẳng định của Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới” diễn ra ngày 28/8 tại Hà Nội.
Theo ông Phạm Minh Sơn, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang hướng tới tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/08/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.” Một trong những vấn đề trọng tâm đặt ra đối với ngành xuất bản trong thời kỳ mới được nêu rõ trong Chỉ thị là việc phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ, giải pháp then chốt.
Ông Phạm Minh Sơn cho biết thời gian qua, với sự quan tâm của các ngành, các cấp, sự nỗ lực của các cơ quan xuất bản, cơ sở đào tạo, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành xuất bản đã liên tục được đổi mới về mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu về nguồn lực chất lượng cao cho ngành trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, ngành vẫn còn một số hạn chế, kết quả đào tạo chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi cần phải đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam thời gian tới.
Hiện nay, Khoa Xuất bản của Học viện Báo chí và Tuyên truyền có thể coi là đơn vị duy nhất của cả nước đào tạo cán bộ biên tập xuất bản ở trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngành xuất bản. Nhìn chung, quy mô và chất lượng đào tạo ngành xuất bản ngày càng được nâng lên, tuy nhiên, học viện cũng đang đối mặt với nhiều thách thức chung trong hoạt động đào tạo xuất bản hiện nay.
“Chất lượng đầu ra của công tác đào tạo còn chưa đồng đều; áp lực từ việc thiếu nguồn lực đào tạo cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất-kỹ thuật; công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về xuất bản còn chậm, chưa theo kịp tình hình thực tiễn,” ông Sơn nêu rõ.
Đóng góp ý kiến, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nêu sự cần thiết của việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực xuất bản điện tử.
“Những người làm xuất bản điện tử chủ yếu là cán bộ chuyên ngành công nghệ thông tin, có kỹ năng, trình độ về công nghệ, nhưng kiến thức và trình độ biên tập, độ nhạy cảm chính trị còn hạn chế, hoặc ngược lại, nhiều biên tập viên có chuyên môn, nghiệp vụ biên tập tốt, nhưng lại không thành thạo về công nghệ thông tin,” ông Tuấn nói.
Chính vì vậy, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ thúc đẩy sự liên kết, hợp tác đào tạo giữa các cơ sở đào tạo xuất bản với nhà xuất bản, doanh nghiệp liên kết xuất bản để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành phù hợp với yêu cầu hiện nay./.