“Đánh thức” di sản đô thị cố đô Hoa Lư
Tỉnh Ninh Bình là một mắt xích quan trọng trong quy hoạch vùng và quy hoạch tổng thể quốc gia, với thế mạnh đặc trưng là vùng đất gắn liền các di tích lịch sử và các danh thắng nổi tiếng.
Ninh Bình sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cũng là nơi giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền, khu vực, tạo nên màu sắc văn hóa độc đáo, ghi dấu trong các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, được người dân trao truyền, gìn giữ từ hàng nghìn đời nay; góp phần làm phong phú di sản văn hóa Việt, hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, sớm đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ.
Kiến tạo cơ chế bảo tồn di sản
Qua thống kê sơ bộ, Ninh Bình có hàng nghìn di sản văn hóa vật thể, với 1.821 di tích, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia.
Đặc biệt, danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới duy nhất ở Đông Nam Á, nơi được ví như cuốn biên niên sử nguyên vẹn về sự biến đổi địa chất, địa mạo và cảnh quan môi trường cùng truyền thống cư trú của loài người trải qua hơn 30 nghìn năm phát triển.
Tỉnh cũng sở hữu hàng trăm di tích khảo cổ trong hang động, mái đá, trên thềm đất ven sông, nơi lưu dấu ấn của người tiền sử; cũng như các di tích là những công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo…
Ninh Bình còn là vùng quê chứa đựng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, lưu giữ hàng loạt các di sản tri thức, kinh nghiệm về ngoại giao, phát triển kinh tế - xã hội, cùng các lễ hội, phong tục tập quán…
Tỉnh nổi tiếng với 225 lễ hội truyền thống như Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội chùa Bích Động, Lễ hội chùa Bái Đính…
Nơi đây cũng là vùng "đất tổ" của nghệ thuật hát xẩm, hát chèo và nhiều làng nghề truyền thống, tiêu biểu như làng nghề thêu Văn Lâm, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư); các làng nghề chế biến cói ở Kim Sơn; nghề gốm Bồ Bát, hát Xẩm (Yên Mô)…
Tiến sĩ Đinh Văn Viễn, Phó Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Hoa Lư, cho rằng văn hóa Ninh Bình nằm trong không gian văn minh vùng châu thổ sông Hồng nói chung, có sự giao thoa ảnh hưởng của văn hóa châu thổ sông Mã, tiếp thu các yếu tố bên ngoài. Điểm nổi bật trong văn hóa Ninh Bình có thể đặt tên đó là “văn hóa Non-Nước,” có ảnh hưởng lớn đến lịch sử, văn hóa của Ninh Bình.
Tiến sỹ Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam) cho rằng, Ninh Bình cần chuyển hóa việc bảo tồn, phát huy di sản thành nguồn động lực cho phát triển các ngành kinh tế phù hợp, đặc biệt cho ngành du lịch; đồng thời huy động nguồn lực trong việc bảo tồn và khai thác di sản; quy hoạch đô thị gắn với đền bù giải phóng mặt bằng; chính sách bảo vệ di sản, môi trường di sản.
Để sớm đạt được mục tiêu xây dựng thành phố Hoa Lư trong tương lai trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam đề xuất, Ninh Bình cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phân loại đô thị, phân loại di sản để vừa thúc đẩy đô thị hóa, hiện đại hóa nhưng vẫn phù hợp chức năng đô thị di sản, vừa giữ gìn, bảo tồn được các giá trị cốt lõi.
Các cơ chế, chính sách đặc thù phải bảo đảm chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân trong các vùng di sản.
Mở không gian phát triển mới
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh hoạch định chính sách, triển khai các nhiệm vụ, tổ chức sắp xếp không gian lãnh thổ, phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, nhằm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, để xây dựng thành phố Hoa Lư thành đô thị di sản thiên niên kỷ, cần có Quy chế đặc biệt cho việc cải tạo, phong cảnh hóa thành phố hiện hữu; xây dựng Quy hoạch chung cho thành phố Hoa Lư tương lai, lấy yếu tố tài nguyên thiên nhiên sinh thái làm chủ đạo.
Tỉnh Ninh Bình là một mắt xích quan trọng trong quy hoạch vùng và quy hoạch tổng thể quốc gia, với thế mạnh đặc trưng là vùng đất gắn liền các di tích lịch sử và các danh thắng nổi tiếng, lấy du lịch văn hóa di sản làm nòng cốt, đặc trưng để xây dựng sản phẩm du lịch xanh, thân thiện, an toàn trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.
Các yếu tố trên đã trở thành nguồn tài nguyên giàu giá trị, là một trong những lợi thế so sánh để Ninh Bình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng việc Ninh Bình lựa chọn phát triển đô thị di sản ở thời điểm hiện nay là đúng, trúng và phù hợp với thực tiễn. Di sản chính là động lực, tiềm năng mới để Ninh Bình phát triển đô thị.
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã mở ra đường hướng, tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới cho Ninh Bình trong bức tranh chung của các tỉnh, thành phố trong khu vực và trên cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh thời gian tới, tỉnh tập trung xây dựng Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, lấy du lịch, công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, lấy công nghiệp cơ khí ôtô làm động lực thúc đẩy phát triển…
Ninh Bình thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, định hình tính chất của một thành phố công nghiệp văn hóa, thành phố du lịch, đô thị di sản thiên niên kỷ gắn với công viên hóa di sản, tài sản hóa di sản.
Địa phương ra sức thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, quảng bá thương hiệu hình ảnh, hội nhập sâu vào mạng lưới đô thị di sản sở hữu danh hiệu UNESCO và chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là chuỗi giá trị công nghiệp văn hóa, công nghiệp cơ khí ô tô, gắn với phát triển mạnh mẽ kinh tế di sản, kinh tế thương hiệu./.
Bài 1: Lưu giữ giá trị di sản Cố đô nghìn năm
Bài 2: “Đánh thức” di sản đô thị Cố đô Hoa Lư
Bài cuối: Xây dựng đô thị di sản ngang tầm thế giới