Đánh giá thực địa về tiềm năng phát triển nông lâm nghiệp vùng cao
Hội nghị tổng kết chuyến thăm và đánh giá thực địa về nghiên cứu nông lâm nghiệp với tiềm năng phát triển bền vững ở vùng cao, tổ chức ngày 19/10, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Ngày 19/10, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị tổng kết chuyến thăm và đánh giá thực địa về nghiên cứu nông lâm nghiệp với tiềm năng phát triển bền vững ở vùng cao.
Dự án “Nông lâm kết hợp, tiềm năng phát triển bền vững ở vùng cao” do Hội đồng Nghiên cứu Phát triển Bền vững Thụy Điển và Hội đồng Nghiên cứu Thụy Điển tài trợ, thực hiện trong từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2023.
Dự án có sự tham gia của trường Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển và Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế tại Việt Nam cùng các đối tác Việt Nam tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Yên Bái cùng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa.
Dự án nhằm đánh giá các hệ thống nông lâm kết hợp có cây ăn quả là cây trồng chính trong việc kiểm soát xói mòn và quản lý độ phì của đất; quản lý cạnh tranh giữa các cây trồng trong hệ thống, thích ứng với biến đổi khí hậu, chu trình tuần hoàn dinh dưỡng để tăng hiệu quả sử dụng phân bón và thiết kế cải tiến các hệ thống nông lâm kết hợp nhằm tăng lợi nhuận, tăng tính bền vững và tăng khả năng phục hồi. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 3 triệu USD, quy mô gần 300ha trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Sơn La và Yên Bái với gần 600 hộ tham gia và hưởng lợi trực tiếp.
Tại hội nghị, đại diện Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế tại Việt Nam đã giới thiệu về mô hình nông lâm kết hợp với những nhiều tiềm năng phát triển ở vùng cao sẽ tạo sinh kế cho người dân, giúp đồng bào ở các địa bàn vùng cao Tây Bắc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế.
[Điện Biên cần phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số]
Các đại biểu cũng lắng nghe kết quả từ thảo luận nhóm tập trung tại sáu khu vực cảnh quan điển hình về nông lâm kết hợp tại Tây Bắc Việt Nam do ICRAF cùng các đối tác thiết lập để hiểu thêm về vai trò của nông lâm kết hợp đối với thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên, cho biết thời gian qua, tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế tạo điều kiện cho tỉnh tiếp cận với nhiều chương trình dự án; trong đó có nông lâm kết hợp, mô hình sinh kế trên địa bàn.
Qua khảo sát, chính quyền địa phương và nhân dân thụ hưởng đánh giá rất cao hiệu quả của dự án, cả về kinh tế xã hội, môi trường và khoa học. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên mong muốn thời gian tới, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá những mặt đạt được để phát huy tối đa hiệu quả của dự án về lâu dài.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam, bà Ann Måwe cho biết việc hỗ trợ dự án là một trong những hoạt động truyền thống của Thụy Điển trong hỗ trợ về nông nghiệp và lâm nghiệp tại Việt Nam. Nông nghiệp và lâm nghiệp là hai lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế của cả Thụy Điển và Việt Nam.
Mô hình nông lâm kết hợp đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Bởi vậy, dự án sẽ mang lại hiệu quả đối với người dân các tỉnh Tây Bắc như Điện Biên, Sơn La, Yên Bái nói riêng và Việt Nam nói chung./.