Đánh giá kỹ lưỡng tác động, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chỉnh lý lại khái niệm công trình quốc phòng; đồng thời, bổ sung nội dung "công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự" cho rõ nghĩa.
Sáng 18/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, Bảo vệ Công trình Quốc phòng và Khu Quân sự.
Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, về khái niệm "công trình quốc phòng," có ý kiến cho rằng, quy định công trình quốc phòng là địa hình, địa vật tự nhiên quá rộng, cần giải thích cụ thể hơn để dễ thực hiện, thống nhất với khái niệm "khu quân sự" và các nội dung liên quan của dự thảo Luật; phân biệt với tài sản đặc biệt quy định tại Điều 3 Luật Quản lý, Sử dụng Tài sản Công và Khái niệm Công trình Phòng thủ Dân sự tại Luật Phòng thủ Dân sự.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo ngay trong giải thích, bảo đảm thống nhất với khái niệm "khu quân sự" và các nội dung của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chỉnh lý lại khái niệm công trình quốc phòng; đồng thời, bổ sung nội dung "công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự" cho rõ nghĩa như khoản 1 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 5), một số ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật khó hiểu, nên đề nghị làm rõ và rà soát, phân loại, phân nhóm cho phù hợp, cụ thể, khoa học, khả thi, gắn với chế độ pháp lý của từng nhóm, loại; có ý kiến đề nghị tách thành 2 điều, phân loại và phân nhóm cho cụ thể.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo dự án Luật, cơ quan hữu quan rà soát kỹ lưỡng cách phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự để quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện.
[Tăng cường quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự]
Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, với tính đặc thù trong công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, các quy định của dự thảo Luật đã bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan (trong đó có Luật Quản lý, Sử dụng Tài sản Công) và các nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, khoản 4 Điều 3 (nguyên tắc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự) đã quy định: Công trình quốc phòng và khu quân sự phải được quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật này, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thống nhất với cơ quan soạn thảo dự án Luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bỏ điều quy định về áp dụng pháp luật; đồng thời, tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi.
Các ý kiến đánh giá cao sự nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra; chất lượng tiếp thu, giải trình dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua. Đồng thời, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan; rà soát kỹ lưỡng để thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; đánh giá kỹ lưỡng tác động, bảo đảm vững chắc cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý của dự án Luật.
Sau phiên họp, Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội có thông báo kết luận; đôn đốc Chính phủ có báo cáo tiếp thu giải trình, sớm hoàn thiện dự án Luật trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới.../.