Dang dở Dự án kè bờ hồ Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị

Ghi nhận của phóng viên TTXVN, kè Thành Cổ đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vị trí bị nứt vỡ có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Hệ thống móng kè được xây dựng dở dang. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị nổi tiếng trong và ngoài nước với 81 ngày đêm khốc liệt năm 1972.

Đây là điểm dừng chân của du khách thập phương trên hành trình tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc vì hạnh phúc nhân dân khi đến Quảng Trị.

Tuy nhiên, quá trình thi công Dự án kè bờ hồ Di tích đang dở dang khiến người dân bức xúc vì gây mất mỹ quan.

Thành cổ Quảng Trị có hệ thống kè hào với tổng chiều dài 4.432m, được đầu tư xây dựng từ năm 1993-1995 và đã cải tạo, sửa chữa nhiều lần.

Tuy nhiên do biến động của thời gian và các đợt lũ lụt lịch sử năm 2020 nên hệ thống kè đã xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, nhiều vị trí kè bị lún, nghiêng, hư hỏng nặng, không đảm bảo khả năng chịu lực của công trình, có nguy cơ đổ sập.

Trước thực trạng trên, năm 2021 từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư các công trình khẩn cấp, Trung ương đã bố trí 25 tỷ đồng để tỉnh Quảng Trị xây dựng, tu bổ lại hệ thống kè bờ hồ Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.

[Quảng Trị: Nhiều di tích lịch sử đang xuống cấp nghiêm trọng]

Dự án thực hiện tu bổ, gia cố toàn bộ Kè hồ bên trong Thành Cổ và kè bờ hồ bên ngoài giáp đường Lý Thái Tổ, đường Hai Bà Trưng với tổng chiều dài trên 3.138m. Thời gian thực hiện dự án trong 2 năm 2021-2022.

Đơn vị thi công gồm Liên danh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Minh Thành, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tuấn Đạt Thành và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên 673.

Quá trình thực hiện, các đơn vị thi công đã ưu tiên xây dựng, sửa chữa tại một số vị trí, tuyến kè xung yếu để thực hiện trước. Tuy nhiên, quá trình thi công dự án chậm, mới giải ngân hơn 12,7 tỷ đồng, số vốn còn lại đã bị thu hồi dẫn đến công trình dở dang.

Ông Lê Anh Sơn, Khu phố 2, thị xã Quảng Trị cho biết là một cựu chiến binh và sinh sống sát ngay di tích, ông và bà con rất bức xúc trước tình trạng này. Quá trình thi công kéo dài ảnh hưởng đến sinh thái dưới lòng hồ bao quanh Thành cổ gây mất mỹ quan. Nhiều vị trí bờ kè cũ bao quanh bị phá vỡ để xe chở vật liệu xuống, nhưng giờ ngừng thi công cũng không được trả về nguyên trạng.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN, kè Thành Cổ đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vị trí bị nứt vỡ có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Dưới hồ nước được bao quanh bờ kè ngay trước cổng chính của Thành cổ vật liệu xây dựng vương vãi.

Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị đã tiến hành xả nước, thông 2 hồ để tránh tình trạng cá chết, đảm bảo cảnh quan. Hệ thống móng đỡ bên các tường kè đã được xây dựng nhưng chưa hoàn thiện, các thanh sắt thép đã bị rỉ sét. Một số vị trí bờ kè cũ đã bị đơn thi công phá dỡ cho xe chở vật liệu xuống ngổn ngang đất đá nhưng chỉ được rào lại một cách thô sơ bằng một số cọc tre, không có biển báo nguy hiểm.

Bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị cho biết trong dịp 30/4 và 1/5 tới, lượng khách tới tham quan Di tích Quốc gia Thành cổ Quảng Trị sẽ rất đông. Ban Quản lý mong đơn vị thi công sớm hoàn thành công trình, để đảm bảo mỹ quan di tích, phục vụ công tác đón tiếp du khách.

Một số vị trí bờ kè cũ đã bị đơn vị thi công phá dỡ cho xe chở vật liệu xuống ngổn ngang đất đá nhưng chỉ được rào lại một cách thô sơ bằng một số cọc tre không có biển báo, gây nguy hiểm. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị, lý do khiến quá trình thi công kéo dài, không đảm bảo kế hoạch là do các nhà thầu chưa huy động đầy đủ nhân lực, vật lực, máy móc, thiết bị; thời gian thực hiện hợp đồng quá ngắn so với thực tế để tổ chức thi công đảm bảo yêu cầu thiết kế.

Bên cạnh đó, khó khăn về thủ tục, nền địa chất yếu, phải tạm dừng hoạt động trong những ngày lễ lớn của tỉnh trong năm 2022 và để điều tiết cấp thoát nước cho hệ thống kênh mương nội đồng tưới tiêu sản xuất vụ Đông-Xuân. Đây là những nguyên nhân chính khiến dự án triển khai bị thu hồi vốn.

Tháng 12/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có tờ trình về việc đề xuất bố trí lại nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo Quyết định số 118/QĐ-TTg ngày 27/12/2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt.

Ông Trương Hữu Hiếu, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết, quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn, hiện tại nguồn vốn bố trí cho dự án đã bị thu hồi. Ban Quản lý dự án đã làm tờ trình gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng đã có tờ trình gửi Trung ương xin cấp nguồn vốn còn lại.

Trước mắt Ban Quản lý chỉ đạo đơn vị thi công phối hợp với đơn vị quản lý di tích để hoàn trả lại nguyên trạng mặt bằng nhằm đảm bảo công tác đón du khách tham quan.

Trên cơ sở đó, yêu cầu nhà thầu tính toán lại khối lượng. Vì chưa được bố trí lại vốn nên Ban Quản lý sẽ tiến hành các thủ tục quyết toán công trình đồng thời có phương án kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị bố trí nguồn vốn khác để hoàn thành khối lượng còn lại của công trình./.

Thanh Thủy (TTXVN/Vietnam+)