Đảng bộ Bộ Công Thương: Đột phá chiến lược quyết tâm vì đất nước hùng cường
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, dưới sự chỉ đạo điều hành sát sao của Đảng bộ Bộ Công Thương, ngành Công Thương đã có những đột phá để đóng góp toàn diện vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội.
Trong 2 ngày 15/7 và 16/7, tại Hà Nội, Đảng bộ Bộ Công Thương đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030.
Với chủ đề “Đổi mới tổ chức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; phát huy vai trò nòng cốt, trụ cột của ngành Công Thương trong phát triển kinh tế đất nước; vững bước tiến vào kỷ nguyên mới,” Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020-2025.
Cùng với đó rút ra các bài học kinh nghiệm và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo ngành Công Thương tiếp tục phát triển bền vững trong 5 năm tới, đồng thời, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Xác lập 7 nhiệm vụ trọng tâm, 6 đột phá chiến lược
Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ: Nhiệm kỳ 2020-2025, trong bối cảnh nhiều biến động lớn của tình hình kinh tế thế giới và khu vực, Đảng bộ Bộ Công Thương đã phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ trước.
Toàn Đảng bộ đã nỗ lực thực hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Chính phủ triển khai đồng bộ nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực then chốt của Ngành; dẫn dắt ngành Công Thương hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch, đóng góp thiết thực và quan trọng trong các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô của đất nước.
Trong nhiệm kỳ 2025-2030, Đảng bộ Bộ Công Thương xác định rõ phương hướng hoạt động đó là việc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng toàn diện, tạo chuyển biến rõ nét, xây dựng Đảng bộ Bộ Công Thương trong sạch, vững mạnh. Lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển ngành, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Hiện thực hóa phương hướng trên, ngành Công Thương đã xác lập 7 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, giữ vai trò hạt nhân đoàn kết, gương mẫu, đủ năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong hệ thống chính trị; kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh gọn, rõ chức năng-nhiệm vụ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành; Nâng cao chất lượng tham mưu chiến lược, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.
Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển ngành, khơi thông nguồn lực; Ưu tiên xây dựng hệ thống pháp luật về công nghiệp thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và các ngành, lĩnh vực trọng điểm; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng nội địa trong sản xuất công nghiệp và hàng hoá xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng công nghiệp, năng lượng, thương mại hiện đại và cạnh tranh.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cấp và ký kết các FTA mới, mở rộng hợp tác quốc tế về công nghiệp, thương mại, năng lượng, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước theo hướng bền vững, cạnh tranh toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị, hình thành các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu, năng lượng, phân phối, logistics.
Ngoài ra, ngành cũng xác định 6 đột phá chiến lược, bao gồm: đột phá về hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, hiện đại cho lĩnh vực công nghiệp và thương mại, tạo nền tảng giải phóng mọi nguồn lực phát triển ngành; Đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng hạ tầng năng lượng, công nghiệp, thương mại hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và năng suất ngành.
Tiếp đến là đột phá về phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp, ưu tiên hình thành các tập đoàn tư nhân và nhà nước có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế; Đột phá về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, gắn với chuyển đổi số toàn diện trong công tác đảng, từng bước xây dựng mô hình tổ chức đảng hiện đại, linh hoạt, thích ứng với thời đại số.
Đặc biệt, Ngành cũng tập trung, đột phá trong công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cấp ủy và kế cận có bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, khát vọng cống hiến; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; Đột phá về cải cách hành chính trong Đảng, tinh gọn tổ chức, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả phối hợp và điều hành; đẩy mạnh phân cấp gắn với kiểm soát quyền lực và quy trình làm việc thông minh, liên thông.
Tạo điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt Đảng ủy Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội và cho rằng, sự chuẩn bị của Đảng bộ Bộ Công Thương đã thể hiện tinh thần đổi mới và mang tính hành động rất cao, thể hiện một quyết tâm rất lớn, trách nhiệm cao, tâm huyết của toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ghi nhận, trong nhiệm kỳ 2020-2025, dưới sự chỉ đạo điều hành sát sao của Đảng bộ Bộ Công Thương, ngành Công Thương đã đồng sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, có những đột phá để đóng góp toàn diện vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể là đột phá trong tham mưu xây dựng chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp; Dấu ấn trong thực hiện quy hoạch và phát triển mạng lưới điện và năng lượng quốc gia đạt được nhiều thành tích, tiến bộ vượt bậc.

Nổi bật là "kỳ tích" đường dây 500 kV mạch 3 được hoàn thành với nhiều "kỷ lục" về thời gian thi công, khối lượng công việc, huy động nguồn lực, giải quyết vướng mắc; tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; tháo gỡ khó khăn cho các dự án lớn về năng lượng tái tạo. Ngành Dầu khí vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng doanh thu (năm 2024); phát triển chuỗi dự án dầu khí và điện gió ngoài khơi cùng nhiều công trình năng lượng trọng điểm.
“Bộ Công Thương đã phấn đấu “hơn 100% sức lực,” tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khoá XV để thông qua Luật Điện lực sửa đổi chỉ trong một kỳ họp với tỷ lệ tán thành cao (91,65%); thực hiện tách Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia ra khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giúp đổi mới căn bản cơ chế vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia,” Phó Thủ tướng ghi nhận.
Nhận định tình hình thế giới thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, hàm chứa cả thời cơ, vận hội mới, đi đôi với thách thức, khó khăn, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng, Bộ Công Thương, Đảng bộ Bộ Công Thương cần tiếp tục giữ vững vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước chủ lực về công nghiệp và thương mại, “lá cờ đầu” trên mặt trận kinh tế, là điểm tựa vững chắc cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp; là người bạn đồng hành tin cậy và truyền cảm hứng tích cực cho đội ngũ doanh nhân (trong đó có cả doanh nhân tư nhân, doanh nghiệp nhà nước)… vì vậy, ngành Công Thương cần tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng mạnh trong hành trình đưa dân tộc phát triển hùng cường, thịnh vượng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tin tưởng và kỳ vọng, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025-2030 sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu xây dựng ngành Công Thương vững mạnh toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030; vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.