Dân nhường đất cho nhà máy Dung Quất vẫn mòn mỏi chờ "sổ đỏ"

Sau 25 năm nhường đất ở cho chính quyền địa phương xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đến nay, cuộc sống của người dân khu định canh định cư thôn An Quang vẫn chưa ổn định.

Một góc nhà máy lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Sau 25 năm nhường đất ở cho chính quyền địa phương xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đến nay, cuộc sống của người dân khu định canh định cư thôn An Quang (xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa ổn định.

Bà con nơi đây mòn mỏi chờ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Năm 1998, gia đình ông Nguyễn Đại (sinh năm 1949) rời xã Bình Trị đến tái định canh định cư tại xã Bình Thanh (huyện Bình Sơn) để nhường đất xây dựng dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Từ đó đến nay, gia đình ông vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nơi tái định cư.

Ông Đại cho hay ông cùng bà con chuyển tới đây tái định cư. Năm 2019, chính quyền thông báo đóng thuế, nộp tiền sử dụng đất… để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Mọi thủ tục đã hoàn thành nhưng đến lúc nhận sổ, gia đình ông lại không có.

Ông Đại bức xúc, khi ở xã Bình Trị, gia đình ông có đầy đủ các loại giấy tờ liên quan và được chính quyền cấp lô đất tái định cư hơn 400m2. Đến đây dựng nhà, cải tạo đất, cuộc sống gia đình ông đã tương đối ổn định. Thế nhưng, khi bà con được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gia đình ông lại không có. Hồ sơ, thủ tục gia đình đã làm theo hướng dẫn của cán bộ chức năng, không hiểu vì lý do gì, đến nay ông chưa nhận được sổ đỏ.

Ông đã nhiều lần có ý kiến với cán bộ phụ trách của Ủy ban Nhân dân xã Bình Thanh nhưng chỉ nhận được câu trả lời là chờ cơ quan chức năng cấp trên giải quyết. Nguyện vọng của gia đình ông là mong muốn khu đất được chính quyền cấp sổ đỏ để thế chấp vay vốn đầu tư làm ăn.

Sống trên mảnh đất của mình nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến các hộ dân lo lắng. Họ còn chịu thiệt thòi vì không thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế hoặc tách thửa khi cho con cháu.

Bà Phạm Thị Nghĩa (71 tuổi) đã nhiều lần ngược xuôi làm các thủ tục liên quan với mong muốn nhận sổ đỏ cho cha mẹ ruột. Tuy nhiên, do cha mẹ bà đều đã qua đời, việc làm thủ tục gặp nhiều khó khăn.

Bà Nghĩa cho hay do bà đã lập gia đình, thời điểm tái định cư, cha mẹ bà được bố trí một lô, gia đình bà cũng được bố trí một lô tái định cư. Khi những hộ dân tái định cư nhận sổ đỏ, lô đất của cha mẹ bà lại không có.

Bà Nghĩa cho biết năm 2001, cha mẹ bà lần lượt qua đời. Bà là con gái duy nhất nên là người thừa kế. Khi đến chính quyền hỏi lý do lô đất của bố mẹ không có sổ đỏ, bà được yêu cầu đi tìm mồ mả của ông bà nội, ông bà ngoại để làm các giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, khi có hình ảnh liên quan, cơ quan chức năng vẫn không chấp thuận; tiếp tục yêu cầu giấy chuyển nhượng và các thủ tục khác. Trong khi đó, cha mẹ của bà mất không để lại di chúc hay viết các giấy tờ chuyển nhượng nên đến nay vẫn không thể làm được sổ đỏ.

Năm 1998, hơn 300 hộ dân xã Bình Trị nằm trong khu vực dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu hóa Dung Quất đã nhường đất và đến tái định cư tại xã Bình Thanh. Đến nay, 12 hộ trong số đó vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguyên nhân là do các giấy tờ liên quan như hồ sơ tái định cư, hồ sơ đền bù hoặc quyết định giao đất không còn lưu trữ tại cơ quan chức năng các cấp. Điều đáng nói, các loại giấy tờ này thất lạc là do lỗi của cơ quan quản lý nhưng người chịu thiệt lại là những hộ dân liên quan.

Ông Bùi Văn Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Thanh, thừa nhận việc chậm cấp sổ đỏ cho 12 hộ dân tái định cư trên địa bàn gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Nhiều lần bà con đã “cầu cứu” chính quyền xã nhưng với trách nhiệm và thẩm quyền, Ủy ban nhân dân xã chỉ có thể phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để hoàn thiện hồ sơ và đề nghị lên huyện giải quyết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tưởng Duy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Sơn cho biết, huyện đã nắm được bức xúc của các hộ dân ở xã Bình Thanh. Yêu cầu của 12 hộ dân nói trên là chính đáng. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan là phải tập trung giải quyết để cấp sổ đỏ cho bà con.

Ủy ban nhân dân huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban và Ủy ban nhân dân các xã liên quan rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân ổn định cuộc sống; đồng thời, chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Bình Thanh chủ trì phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Công ty Lọc hóa dầu Dung Quất kiểm tra hồ sơ bồi thường, hồ sơ giao đất làm cơ sở cấp sổ đỏ.

Nếu không tìm thấy, các đơn vị phải báo cáo rõ căn cứ theo hồ sơ hiện có, thực tế hộ dân sử dụng đất và các quy định pháp luật hiện hành để lập thủ tục cấp sổ đỏ cho các hộ dân trong thời gian sớm nhất.

[Nhà máy lọc dầu Dung Quất duy trì ổn định 112% công suất]

Trong khi đó, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hồ sơ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Theo báo cáo nghiên cứu, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng mức đầu tư mới là hơn 1,2 tỷ USD. Kế hoạch vốn cho dự án dự kiến là 40% vốn chủ sở hữu, số còn lại là vốn vay (tỷ lệ này có thể thay đổi theo từng phương án thu xếp vốn cho dự án).

Cũng theo báo cáo điều chỉnh BSR trình PVN, dự án dự kiến hoàn thành vào cuối 2025 và vận hành thương mại vào đầu năm 2026.

Việc triển khai dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang ở thời điểm thuận lợi vì Việt Nam cần năng lượng sơ cấp để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia./.

Đinh Hương (TTXVN/Vietnam+)