Đan Mạch vớt vật thể lạ gần vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc 2

Theo Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, vật thể được trục vớt có hình trụ, cao khoảng 40cm, được cho là một phao khói rỗng và được sử dụng để đánh dấu quang học, không tiềm ẩn nguy cơ về an toàn.

Vật thể được phát hiện gần đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 ở dưới đáy biển Baltic. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo thông báo đưa ra vào tối 29/3 (theo giờ địa phương) của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, nước này đã hoàn tất việc trục vớt một vật thể bí ẩn, được cho là phao khói, gần đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) bị hư hại dưới đáy biển Baltic.

Vật thể được trục vớt ở độ sâu 73 mét với sự hỗ trợ và giám sát của quân đội Đan Mạch.

Đánh giá sơ bộ cho thấy vật thể hình trụ này, cao khoảng 40cm, được cho là một phao khói rỗng và được sử dụng để đánh dấu quang học. Vật thể này không tiềm ẩn nguy cơ về an toàn.

Việc trục vớt được thực hiện với sự với sự tham gia của một đại diện Công ty cổ phần Dòng chảy phương Bắc 2 là chủ sở hữu đường ống bị hư hại.

Hai tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong một bài phát biểu trên truyền hình, nhận định vật thể nêu trên có thể liên quan tới vụ phá hoại các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) và Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) hồi năm ngoái.

Nhà lãnh đạo Nga dẫn lời các chuyên gia cho rằng vật thể này có thể là một ăng ten nhận tín hiệu kích hoạt chất nổ để phá hoại các đường ống.

[HĐBA không thông qua dự thảo của Nga điều tra vụ nổ đường ống khí đốt]

Điện Kremlin hôm 28/3 tuyên bố Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy điều tra quốc tế về vụ nổ 2 đường ống này sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thông qua nghị quyết do Nga và Trung Quốc đề xuất nhằm tiến hành điều tra quốc tế về các vụ nổ.

Moskva cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định vật thể nêu trên nhằm tìm ra manh mối dẫn tới các vụ nổ đối với hai tuyến đường ống nêu trên.

Sau các vụ nổ hồi tháng 9/2022, các chuyên gia đã phát hiện 4 vị trí rò rỉ trên hai tuyến đường ống. Trong số này, 2 vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và 2 vị trí nằm trong EEZ của Đan Mạch. Các nước phương Tây và Nga đã cáo buộc nhau gây ra các vụ nổ này./.

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)