Đan Mạch sửa đổi dự luật coi đốt kinh Koran nơi công cộng là phạm pháp
Bộ Tư pháp Đan Mạch cho biết dự thảo đã được thu hẹp để chỉ xử lý những hành vi báng bổ kinh Koran. Bộ trưởng Tư pháp cho rằng với những thay đổi mới, các cơ quan chức năng sẽ dễ thực thi dự luật hơn.
Ngày 27/10, Chính phủ Đan Mạch đã công bố một bản sửa đổi của dự luật quy định hành động đốt các bản sao của kinh Koran nơi công cộng là phạm pháp.
Đây là một phần nỗ lực của quốc gia Bắc Âu nhằm xoa dịu làn sóng chỉ trích gay gắt của cộng đồng tín đồ Hồi giáo sau khi liên tục xảy ra các vụ đốt hoặc xúc phạm kinh Koran ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch trong thời gian qua.
Trước đó, chính phủ đã đưa ra bản thảo đầu tiên của dự luật nói trên. Tuy nhiên, đã có những ý kiến quan ngại rằng khó có thể thực thi nếu phiên bản đầu tiên này được thông qua thành luật do có những nội dung liên quan đến sự hạn chế quyền tự do biểu đạt.
Các ý kiến của chính trị gia, nghệ sỹ và chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông cho rằng dự thảo đầu tiên bao gồm những nội dung giống như nội dung luật mang tính báng bổ mà Đan Mạch đã bãi bỏ hồi năm 2017.
Trong một thông báo, Bộ Tư pháp Đan Mạch cho biết dự thảo đã được thu hẹp để chỉ xử lý những hành vi báng bổ kinh Koran. Bộ trưởng Tư pháp Peter Hummelgaard cho rằng với những thay đổi mới, các cơ quan chức năng, bao gồm cảnh sát và tòa án sẽ dễ thực thi dự luật hơn.
Dự kiến, Quốc hội Đan Mạch sẽ thảo luận về dự thảo phiên bản thứ hai này vào ngày 14/11 tới.
[Thụy Điển trục xuất đối tượng đốt kinh Koran tại các cuộc biểu tình]
Tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết chính phủ sẽ nỗ lực “tìm kiếm một công cụ pháp lý” cho phép giới chức ngăn chặn hành động đốt kinh Koran trước đại sứ quán của các nước tại Đan Mạch.
Trong khi đó, Thụy Điển thông báo nước này cũng đang nghiên cứu các cách thức để áp đặt những giới hạn pháp lý đối với các hành động báng bổ kinh Koran.
Trong những tuần gần đây, ở thủ đô của Đan Mạch cũng như Thụy Điển liên tục xảy ra các vụ đốt hoặc xúc phạm kinh Koran, làm dấy lên làn sóng chỉ trích gay gắt trong cộng đồng tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới.
Các nước Hồi giáo đã yêu cầu hai quốc gia Bắc Âu cần có biện pháp ngăn chặn những hành vi cực đoan như vậy./.