Đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu sớm

Tuần qua, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã  trình phương án tinh gọn bộ máy; đồng thời ban hành các chính sách để đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Tuần qua, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã trình phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thực hiện Nghị quyết số 18; đồng thời ban hành các chính sách để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2025.

Nghị định này quy định chính sách, chế độ, gồm: Chính sách đối với người nghỉ việc (nghỉ hưu và nghỉ thôi việc); chính sách đối với người thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý thấp hơn; chính sách tăng cường đi công tác ở cơ sở; chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp; trách nhiệm thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị xã hội từ trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; lực lượng vũ trang (gồm Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân và cơ yếu) trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị.

Chính phủ yêu cầu từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tâm, khách quan trên cơ sở đánh giá phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm.

Bộ phận một cửa tại Ủy ban Nhân dân phường Phạm Đình Hổ (Hà Nội). (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

"Trên cơ sở đó thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế và thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động," nghị định nêu rõ. Một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách, chế độ quy định tại các văn bản khác nhau thì chỉ được hưởng một chính sách, chế độ cao nhất.

Các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh phải cử khoảng 5% cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị đi công tác ở cơ sở. Một trong những vấn đề được quan tâm về các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc được hưởng cũng được quy định trong Nghị định. Theo đó, những người nghỉ hưu trước tuổi khi tinh gọn bộ máy có thể sẽ được hưởng ba chế độ hỗ trợ gồm: trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm; hưởng lương hưu mà không bị trừ tỷ lệ lương; được xem xét khen thưởng dù chưa đủ thời gian.

Chủ trì phiên họp thứ bảy Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết 18 sáng 2/1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án tinh gọn đơn vị, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, "cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình," hoàn thiện phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Vấn đề "chưa chín, chưa rõ, còn ý kiến khác nhau" thì đề xuất để sớm nghiên cứu bước tiếp theo.

Thủ tướng giao cho các cơ quan sớm trình Chính phủ ban hành nghị định về tài sản công để có căn cứ xử lý vấn đề này khi sắp xếp. Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu tổng kết các mô hình, phương thức quản trị, quản lý các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước có kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả để lựa chọn phương án tối ưu.

Theo báo cáo, đến nay tất cả bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã trình phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị ở địa phương cơ bản đảm bảo tiến độ, yêu cầu.

Tuần qua, nhiều địa phương cũng đã ban hành văn bản về phương án tổng thể sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị như Lào Cai, Đắk Lắk, An Giang, Hòa Bình, Quảng Ngãi...

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại thông tin về công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy tại địa phương. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Nhiều tỉnh, thành sắp xếp lại các cơ quan báo chí

Nhiều tỉnh cũng đã có phương án sắp xếp lại các cơ quan báo chí trực thuộc theo hướng tinh gọn. Theo phương án của thành phố Hải Phòng, địa phương sẽ sáp nhập Đài Phát thanh-Truyền hình Hải Phòng và Báo Hải Phòng, thành lập Trung tâm Báo chí-Truyền thông thành phố Hải Phòng. Cơ quan này là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành ủy Hải Phòng.

Trong khi đó, tỉnh Cao Bằng dự kiến hợp nhất Báo Cao Bằng với Đài Phát thanh-Truyền hình Cao Bằng và tiếp nhận nhiệm vụ của Trung tâm Thông tin tỉnh Cao Bằng. Sau hợp nhất dự kiến đổi tên thành Trung tâm Báo chí và Truyền thông Cao Bằng, trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng. Về chức năng, nhiệm vụ, cơ quan mới sẽ tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của báo, đài trước khi hợp nhất, tiếp nhận thêm nhiệm vụ của Trung tâm Thông tin. Một số phòng ban của báo, đài có cùng chức năng sẽ tinh giản, sắp xếp lại cho phù hợp.

Tỉnh Lạng Sơn dự kiến giữ nguyên hoạt động của các cơ quan báo chí gồm Báo Lạng Sơn thuộc Tỉnh ủy Lạng Sơn, Đài Phát thanh-Truyền hình Lạng Sơn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn; Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh. Tỉnh này dự kiến sáp nhập Hội Nhà báo tỉnh và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, trong đó có Tạp chí Văn nghệ xứ Lạng trực thuộc.

Trong phương án sắp xếp, tỉnh Bắc Kạn dự kiến vẫn giữ nguyên các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh gồm Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh-Truyền hình Bắc Kạn, Tạp chí Văn nghệ Ba Bể và Cổng thông tin điện tử tỉnh thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cho biết, địa phương sẽ nghiên cứu, bố trí sắp xếp các cơ quan báo chí của tỉnh trong thời gian tới.

Riêng tại tỉnh Quảng Ninh, địa phương đã tiến hành hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh từ năm 2019. Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2019 trên cơ sở hợp nhất 4 cơ quan gồm Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Ninh, Cổng thông tin điện tử tổng hợp thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Báo Hạ Long thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh./.