Đắk Nông tháo gỡ khó khăn về đất đai, hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm
Với sự quan tâm của Trung ương và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Đắk Nông đặt mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, dột nát trước ngày 31/12 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Việc xóa nhà tạm, dột nát, đẩy nhanh hỗ trợ đất ở, nhà ở cho các hộ dân là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Đắk Nông hiện nay.
Với sự quan tâm của Trung ương và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, địa phương đặt mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, dột nát trước ngày 31/12 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Gỡ vướng từ huyện nghèo
Là huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông, nhiều năm nay, Đắk Glong được ưu tiên nguồn lực để giúp người dân phát triển kinh tế-xã hội, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Các chương trình, dự án hỗ trợ đất ở, nhà ở đã góp phần mang lại mái ấm và động lực thoát nghèo cho hàng trăm hộ dân địa phương.
Bên cạnh nguồn hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền huyện Đắk Glong đã có nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt; đồng thời có các giải pháp huy động, vận động để kịp thời hỗ trợ người dân.
Sau nhiều năm ở trong căn nhà tạm, dột nát, cuối năm 2024, gia đình anh K’Thắng, bon Sanar (xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong) được về sống trong ngôi nhà cấp 4 kiên cố có diện tích hơn 50m2.
Anh K’Thắng chia sẻ trước đây, hai vợ chồng chỉ có vài sào đất rẫy, nông sản làm ra chỉ đủ ăn và nuôi con đi học. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gia đình anh được địa phương thông báo đủ điều kiện hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà mới.
Tuy nhiên nếu làm nhà trên rẫy, điều kiện đi lại không thuận lợi nên vợ chồng anh K’Thắng xin bố mẹ một khoảnh đất tại bon Sanar (xã Đắk R’măng) để làm nhà.
Sau đó, vợ chồng anh được chính quyền xã Đắk R’măng, ngành chức năng huyện Đắk Glong hỗ trợ thực hiện các trình tự thủ tục, kinh phí để thực hiện tách sổ, đo đạc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo các điều kiện đúng, đủ để xây dựng nhà theo quy định.
Theo ông Trần Minh Báu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đắk R’măng, ngoài gia đình anh K’Thắng, địa phương còn 10 hộ dân khác được hỗ trợ đất ở và 12 gia đình được hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trước đây, do vướng thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch cùng với tâm lý ngại đi làm các thủ tục, giấy tờ đất đai của người dân nên việc hỗ trợ đất ở, nhà ở theo chương trình này gặp nhiều khó khăn.
Bằng nhiều giải pháp, xã Đắk R’măng đã nỗ lực phấn đấu hỗ trợ các đối tượng theo kế hoạch. Cụ thể, với các đối tượng thuộc diện khó khăn về nhà ở nhưng chưa có đất hoặc đất chưa đủ điều kiện để làm nhà, chính quyền địa phương vận động người thân cho, tặng hoặc bán với giá thấp.
Sau đó, Ủy ban Nhân dân xã sẽ phối hợp với phòng, ban chuyên môn của huyện Đắk Glong hỗ trợ, hoàn thiện thủ tục đất để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, đảm bảo các điều kiện đúng, đủ để người dân nhận được hỗ trợ về đất ở, nhà ở theo quy định.
Cách làm của xã Đắk R’măng đang được nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Đắk Glong thực hiện. Đây là một trong những giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện; đặc biệt là giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất, nhà ở cho người dân khó khăn.
Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Glong, chia sẻ trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn, việc cộng đồng, xã hội chung tay xây nhà cho người khó khăn là việc làm thiết thực. Đặc biệt, huyện Đắk Glong còn nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn về nhà ở. Do đó, mỗi số tiền hỗ trợ, mỗi căn nhà được dựng lên đều có ý nghĩa và tác động tích cực đến ý chí thoát nghèo, gắn kết tình đoàn kết tại địa phương.
Trao đổi về những kinh nghiệm trong việc hỗ trợ nhà ở, đất ở, cũng như xóa nhà tạm, dột nát cho người dân, ông Trần Nam Thuần, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Glong, khẳng định đây là ưu tiên hàng đầu của huyện trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thời gian trước, quá trình triển khai chậm do vướng mắc về trình tự, thủ tục, quy hoạch đất đai, khoáng sản và tâm lý của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số…
Từ năm 2024, huyện đã thành lập tổ hỗ trợ riêng cho các tiểu dự án, chương trình này. Các tổ đã phối hợp với chính quyền các xã triển khai sớm, nhanh các giải pháp hỗ trợ người dân; từ việc thực hiện các trình tự thủ tục đến kinh phí để triển khai đo cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo các điều kiện đúng, đủ để xây dựng nhà theo quy định.
Triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, huyện Đắk Glong được phê duyệt kinh phí, hỗ trợ xây dựng hơn 400 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, địa phương cũng huy động các nguồn lực, kinh phí từ sự chung tay, đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, đơn vị kết nghĩa, nhà hảo tâm hỗ trợ được hơn 100 căn nhà. Đến hết tháng 3/2025, huyện đã triển khai xây dựng, bàn giao hơn 300 căn nhà (đạt hơn 60%).
Cùng với tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk Glong đặt mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, dột nát và hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở, đất ở cho các hộ dân đủ điều kiện trước ngày 31/12/2025.
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ
Từ đầu năm đến nay, các địa phương của tỉnh Đắk Nông đã khẩn trương triển khai công tác xóa nhà tạm, dột nát. Ngoài kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xóa nhà tạm, dột nát do Thủ tướng Chính phủ phát động, nhiều căn nhà được xây bằng nghĩa tình đồng bào nhờ sự chung tay, hỗ trợ của các nhà hảo tâm, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Bà Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Nông, cho biết phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được triển khai sâu rộng, thực sự lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và khơi dậy trách nhiệm cộng đồng trong công tác chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh đặc biệt. Hàng trăm hộ nghèo, khó khăn về nhà ở của tỉnh Đắk Nông đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà khang trang, vững chắc, giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế.
Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã làm tốt vai trò kết nối nguồn lực, giám sát, vận động các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ, góp công, góp của cho chương trình. Qua đó, phong trào không chỉ mang ý nghĩa an sinh xã hội mà còn thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài.
Theo Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh, để hoàn thành chương trình và hỗ trợ nhà ở, đất ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia, toàn tỉnh có gần 1.400 căn nhà được xây mới và gần 400 căn được sửa chữa.
Tổng kinh phí xây mới, sửa chữa gần 120 tỷ đồng (chưa kể nguồn đóng góp, đối ứng của các gia đình được thụ hưởng).
Đến nay, địa phương đã hoàn thành việc xây mới hơn 700 căn; đồng thời đã khởi công, xây dựng hơn 100 căn.
Cùng với cả nước, Đắk Nông đang triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành việc xóa toàn bộ nhà tạm, dột nát trước ngày 31/12/2025./.