Đắk Nông: Không để tái diễn tình trạng thiếu vật tư y tế
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông giao Sở Nội vụ lập đoàn kiểm tra công vụ, làm rõ trách nhiệm trong việc chậm trễ mua sắm trang thiết bị y tế, thiếu vật tư y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Ngày 5/9, theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông triển khai các gói thầu mua sắm khẩn cấp để kịp thời có vật tư y tế phục vụ cho nhân dân.
Đồng thời, tỉnh yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh, thái độ phục vụ bệnh nhân của nhân viên y tế tại đơn vị.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông giao Sở Y tế hướng dẫn, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, không để tái diễn tình trạng thiếu vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh; nếu vẫn xảy ra tình trạng này sẽ phê bình, kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Sở Y tế và các cá nhân, đơn vị liên quan.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng giao Sở Nội vụ thành lập đoàn kiểm tra công vụ, làm rõ trách nhiệm trong việc chậm trễ mua sắm trang thiết bị y tế, dẫn tới tình trạng bệnh viện thiếu vật tư, bệnh nhân phải tự đi mua trong thời gian qua.
[Bộ trưởng Y tế: Đã tháo gỡ khó khăn về thuốc, mua sắm trang thiết bị]
Nhiều tháng qua, nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông bức xúc vì tình trạng thiếu hụt nhiều vật tư, trang thiết bị y tế.
Lãnh đạo Bệnh viện thừa nhận việc thiếu trang thiết bị ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh và cho rằng chủ yếu do nguyên nhân khách quan.
Trước đó, ngày 16/8, người nhà một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đã đăng thông tin lên mạng xã hội về việc phải đi mua găng tay, dây truyền dịch... Hàng trăm trường hợp khác cũng chia sẻ trên mạng xã hội việc bản thân và gia đình đã từng phải tự đi mua bột bó bột, dao mổ, nẹp… khi có người thân được cấp cứu, điều trị.
Theo anh Ngô Đức Thịnh (trú tại xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) - người đã đăng thông tin việc mình phải tự đi mua trang thiết bị y tế lên mạng xã hội facebook, việc cung cấp đủ số lượng, chất lượng các trang thiết bị y tế là trách nhiệm của bệnh viện.
Việc nhân viên y tế đề nghị người nhà bệnh nhân phải tự đi mua vừa phiền phức, tốn kém, vừa gây tâm lý khó chịu, bởi người dân không có chuyên môn, kinh nghiệm, khó có thể lựa chọn được các vật tư, thuốc men đảm bảo chủng loại, chất lượng.
Còn chị Lê Thị Vân, trú tại phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông chia sẻ, gia đình đã lo lắng cho bệnh tật của người thân lại còn phải lo lắng vì thiếu vật tư, thuốc men. Con chị được hẹn mổ vào buổi sáng nhưng phải dời qua buổi chiều vì thiếu dao mổ, dây chuyền dịch. Chị Vân cho rằng, các loại vật tư y tế này là tối thiểu và việc bệnh viện thiếu nhiều loại như vậy là không thể chấp nhận được.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, bà Lê Thị Nhi, Điều dưỡng trưởng Khoa Chấn thương-Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông xác nhận thời gian qua, tại nhiều thời điểm, việc điều trị, phẫu thuật cho bệnh nhân tại khoa gặp nhiều khó khăn do tình trạng thiếu vật tư y tế. Cán bộ, nhân viên của khoa đã chủ động giải thích cho người nhà bệnh nhân và đề nghị cấp trên có các giải pháp phù hợp nhưng chưa có chuyển biến.
Cũng theo bà Lê Thị Nhi, hầu như hàng ngày và tại hầu hết các cuộc họp giao ban đều có báo cáo, đề nghị giải quyết việc thiếu hụt vật tư, trang thiết bị y tế.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, các Khoa Gây mê Hồi sức, Nhi, Lão-Tim mạch..., hiện thiếu hụt nhiều trang thiết bị; trong đó, găng tay vô trùng, ống truyền-dẫn, dao mổ, thuốc hướng thần… là thiếu nhất.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như bất cập trong mua sắm, đấu thầu và sự đứt gãy các chuỗi cung ứng “hậu” COVID-19; năng lực, chuyên môn về mua sắm đấu thầu của đơn vị còn hạn chế.
Trong năm 2022, Bệnh viện có 15 gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, tuy nhiên thực tế chỉ có 5 gói thầu được thực hiện.
Ông Trần Duy Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông chia sẻ thêm, một số văn bản, thông tư, nghị định hướng dẫn liên quan tới mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế thay đổi liên tục nên việc áp dụng khó khăn. Ngoài ra, nhiều mặt hàng, vật tư đơn vị mua sắm với số lượng ít nên các đơn vị cung ứng không mặn mà, không tham gia cung ứng./.