Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng: Việt Nam và Mỹ còn nhiều dư địa hợp tác
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng đã có chia sẻ về những thành tựu nổi bật nhất trong quan hệ giữa hai nước sau 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện.
Ngày 25/7/2023 đánh dấu 10 năm Việt Nam và Mỹ thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Washington đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng về những thành tựu nổi bật nhất trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua.
- Đại sứ có thể điểm lại những thành tựu trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong 10 năm qua?
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng: Điểm nổi bật chung là 10 năm qua quan hệ song phương đã phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế-thương mại đến văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ, y tế, quốc phòng-an ninh, giao lưu nhân dân..., đúng với ý nghĩa đối tác toàn diện.
Ở mỗi lĩnh vực hợp tác có những điểm nổi bật riêng. Trong chính trị, ngoại giao, nổi bật nhất là sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau đã cải thiện rõ rệt. Hai bên luôn thể hiện tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Việt Nam và Mỹ duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao đều đặn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều lãnh đạo cao cấp Việt Nam đã đi thăm Mỹ. Tất cả các tổng thống Mỹ từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay cũng đều thăm Việt Nam.
[Đưa quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đi vào chiều sâu]
Tôi mong Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục truyền thống tốt đẹp này. Các cuộc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc duy trì đà và tạo thêm xung lực cho quan hệ.
Quan hệ kinh tế-thương mại là trụ cột phát triển nhanh, mạnh nhất và là động lực thúc đẩy quan hệ nói chung. Qua 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 5 lần, từ 25 tỷ USD năm 2012 lên gần 139 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam đã vươn lên vị trí đối tác thương mại lớn thứ bảy của Mỹ trên toàn thế giới.
Đầu tư của Mỹ vào Việt Nam liên tục tăng và đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam cũng có xu hướng đầu tư vào Mỹ.
Trong lĩnh vực giao lưu nhân dân, hằng năm hiện có từ 23.000 đến 25.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ.
Trước đại dịch COVID-19, có năm đã đạt hơn 31.000 sinh viên. Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ năm thế giới có sinh viên theo học ở Mỹ.
Khách du lịch Mỹ duy trì ở tốp 5 về số lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đạt trung bình 800.000 lượt/năm trước đại dịch COVID-19. Nay đại dịch đã qua, chúng ta đang phấn đấu hướng tới mục tiêu đón 1 triệu lượt khách Mỹ tới Việt Nam.
Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là ưu tiên cao và đạt nhiều kết quả cụ thể. Hai bên dành nhiều nguồn lực và đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, xác minh hài cốt của bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh, tẩy độc dioxin (đã hoàn thành tại sân bay Đà Nẵng và đang triển khai tại sân bay Biên Hòa), rà phá bom mìn còn sót lại, hỗ trợ người khuyết tật, những người bị ảnh hưởng chất độc da cam.
Các cơ quan Việt Nam đã phối hợp cùng phía Mỹ tìm kiếm, xác định và trao trả cho phía Mỹ hài cốt của 733 quân nhân Mỹ mất tích.
Có thể nói mỗi lĩnh vực hợp tác giữa hai nước đều có bước tiến triển riêng, đóng góp chung vào thành tựu toàn diện của 10 năm quan hệ đối tác toàn diện.
- Thưa Đại sứ, đâu là những yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của quan hệ hai nước? Ngoài những thuận lợi, theo Đại sứ, hai nước còn có những khó khăn gì cần phải vượt qua để có thể phát triển quan hệ hơn nữa trong thời gian tới?
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng: Việt Nam và Mỹ đã đạt được rất nhiều thành tựu hợp tác mà cách đây 28 năm ít ai hình dung được. Phải khẳng định rằng những “trái ngọt” mà hai nước đạt được ngày hôm nay là kết quả của cả một quá trình nỗ lực vun đắp bền bỉ của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân dân hai nước.
Theo tôi, yếu tố bao trùm thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Mỹ là sự phát triển của mối quan hệ hợp tác, đối tác này thực sự mang lại lợi ích chung, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, vì hòa bình và phát triển của hai nước và của khu vực. Một yếu tố quan trọng nữa là cách hai nước ứng xử với nhau.
Trước hết, đó là sự tôn trọng, nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Tiếp theo là sự chân thành và thiện chí hợp tác, tìm kiếm sự hiểu biết để giải quyết những khác biệt, tính đến lợi ích chính đáng và hoàn cảnh cụ thể của mỗi bên trong nhận thức chung giữ quan hệ tổng thể ổn định, tích cực, cùng có lợi.
Đi vào cụ thể hơn từng lĩnh vực cũng sẽ thấy những yếu tố động lực riêng. Chẳng hạn như trong quan hệ kinh tế, đó là sự bổ trợ tự nhiên về nhu cầu và thế mạnh của hai nước với nhau. Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu những mặt hàng tiêu dùng mà Mỹ cần và ít có sự cạnh tranh, trong khi Mỹ có những sản phẩm công nghệ cao, nguyên liệu cho sản xuất mà Việt Nam cần.
Việt Nam có nhân lực dồi dào, Mỹ có vốn và công nghệ. Hay trong giao lưu nhân dân, Mỹ là nước có nền giáo dục, đào tạo hàng đầu thế giới, Việt Nam là nước đang phát triển có dân số trẻ, thanh niên khát khao học tập và nắm bắt kiến thức, công nghệ tiên tiến. Người Mỹ thích du lịch, Việt Nam là đất nước tươi đẹp với lịch sử đặc biệt mà người Mỹ rất muốn đến thăm...
Trong mọi mối quan hệ quốc tế, đương nhiên không chỉ có những yếu tố thuận lợi, những trở ngại, khó khăn khách quan, chủ quan là không thể tránh khỏi.
Quan hệ Việt-Mỹ cũng vậy. Hai nước có sự khác nhau về lịch sử, văn hóa, phong tục, chênh lệch về trình độ phát triển. Hậu quả, vết thương chiến tranh giữa hai nước còn lớn và thời gian không chờ chúng ta.
Thêm nữa, môi trường quốc tế, khu vực diễn biến nhanh và phức tạp, nhiều vấn đề toàn cầu nảy sinh, mặc dù có những lợi ích và quan tâm chung nhưng không phải đối với vấn đề nào hai bên cũng có quan điểm và cách tiếp cận giống nhau.
Nhưng theo tôi, điều quan trọng là hai bên có thiện chí, chân thành và có cơ chế trao đổi để lắng nghe, hiểu quan điểm của nhau, qua đó tăng lên điểm tương đồng, thu hẹp khác biệt. Tôi cho rằng cả Việt Nam và Mỹ đều đang hành động với phương châm đó.
- Thưa Đại sứ, đâu là những ưu tiên hàng đầu Việt Nam cần thúc đẩy để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Mỹ trong thời gian tới?
Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng: Nhìn lại những gì chúng ta đã cùng nhau làm được, vị thế mới của đất nước cũng như lịch sử phát triển của quan hệ, tôi tin tưởng rằng quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiếp tục phát triển lên tầm cao mới. Điều đó phục vụ lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.
Điều tôi ấn tượng và vui mừng nhất là mức độ quan tâm, hiểu biết cao về Việt Nam, là thái độ cởi mở, thẳng thắn và sự ủng hộ nhiệt tình quan hệ Mỹ-Việt của hầu hết những người Mỹ tôi gặp. Quả thật, dư địa hợp tác giữa hai bên còn rất lớn.
Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới ưu tiên chung là làm sao để hợp tác giữa hai bên tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sâu sắc hơn trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, từng lĩnh vực có những ưu tiên riêng.
Thứ nhất, trong chính trị-ngoại giao là củng cố, tăng cường hơn nữa hiểu biết lẫn nhau, trao đổi nhiều hơn nữa các chuyến thăm và giao lưu giữa hai nước ở tất cả các cấp, đặc biệt là các trao đổi, tiếp xúc cấp cao; phát huy và đi vào thực chất hơn nữa các cơ chế đối thoại hiện có.
Thứ hai, phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ theo hướng ổn định, bền vững, giảm thiểu những hành động phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, chúng ta sẽ tập trung hơn cho hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, duy trì tính bền vững của chuỗi cung ứng.
Thứ ba, về giao lưu nhân dân, cần chú trọng thêm giao lưu văn hóa, nghệ thuật, tập trung nhiều hơn nữa cho giáo dục, đào tạo theo định hướng đáp ứng nhu cầu nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam; thu hút thêm nhiều khách du lịch Mỹ đến Việt Nam; hỗ trợ để người Việt, người gốc Việt tại Mỹ thành đạt hơn, đóng góp nhiều hơn cho quan hệ của hai nước.
Thứ tư là đẩy nhanh hơn nữa hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, tăng cường nguồn lực và tốc độ công việc vì thời gian càng trôi đi, điều kiện khắc phục càng thêm khó khăn.
Thứ năm là hai bên cần tăng cường hợp tác hiệu quả hơn nữa tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN-Mỹ, tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), cũng như phối hợp giải quyết các vấn đề toàn cầu, trước mắt là các vấn đề mới nổi như môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch…
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.