Đại sứ Nguyễn Minh Tâm: Xung lực mới cho quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào

Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm trao đổi với phóng viên TTXVN về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm Lào của Thủ tướng Phạm Minh Chính và vai trò mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sẽ thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào từ ngày 9-10/1/2025.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Lào đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm, cũng như vai trò của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Thưa Đại sứ, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị trên thế giới và khu vực đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi nước, trong đó có Việt Nam-Lào, chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Lào trong đầu năm 2025 và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi nước, góp phần phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa?

Đại sứ Nguyễn Minh Tâm: Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào diễn ra ngay từ những ngày đầu năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hai nước Việt Nam và Lào.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh bức tranh toàn cầu ngày càng diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường; hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng của mỗi Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước và đang chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc của mỗi Đảng vào đầu năm 2026.

Đồng thời, cả Việt Nam và Lào đang triển khai tích cực các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và đã đạt được những kết quả thiết thực. Chuyến thăm Lào lần này của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất quan trọng:

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thứ nhất, đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam và cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phía Lào đón tiếp trong năm 2025, thể hiện mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Chuyến thăm lần này tiếp tục khẳng định quan điểm, chủ trương của Việt Nam là coi trọng, ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hợp tác với Lào trong bối cảnh mới; tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.

Thứ hai, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam- Lào, hai bên sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện thỏa thuận về kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào trong năm 2024 trên tất cả các lĩnh vực; trao đổi thống nhất về phương hướng hợp tác trong năm 2025 về các mặt quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác quốc phòng-an ninh, hợp tác kinh tế, hợp tác giáo dục phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề, hợp tác trên các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.

Đồng thời, hai bên sẽ trao đổi sâu về các biện pháp để tạo đột phá nâng cao hiệu quả trong hợp tác, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư. Điều này không chỉ giúp hai nước Việt Nam-Lào cùng phát triển, đứng vững trước các rủi ro, thách thức do tác động của cạnh tranh địa chính trị ngày càng quyết liệt mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Nhân dịp này, hai bên sẽ tổ chức Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào; Lễ khởi công Công viên Hữu nghị Lào-Việt Nam và chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác quan trọng.

Thứ ba, là tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế Việt Nam-Lào, nhất là kết nối về thể chế, tài chính-tiền tệ, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông, nông nghiệp, doanh nghiệp, du lịch và chuyển đổi số, giúp hai nước tăng cường khả năng chống chịu trước những tác động từ biến động kinh tế và địa chính trị, đồng thời tận dụng cơ hội từ các xu thế mới để phát triển.

Thứ tư, quan hệ Việt Nam-Lào giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, do đó, việc tăng cường hợp tác song phương sẽ góp phần củng cố, nâng cao vai trò, vị thế của mỗi nước cũng như tiếng nói chung của hai nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và trên các diễn đàn khu vực, qua đó thúc đẩy sự đoàn kết và nguyên tắc đồng thuận trong bối cảnh mới.

Thứ năm, chuyến thăm thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước trong việc không ngừng làm sâu sắc và vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực trước những thách thức đến từ khu vực và quốc tế.

Đây là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững và ổn định của cả hai nước trong tương lai.

- Thưa Đại sứ, thời gian tới, Việt Nam-Lào cần đặc biệt thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nào để hai nước cùng phát triển?

Đại sứ Nguyễn Minh Tâm: Tôi cho rằng việc tổ chức, triển khai và thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước cũng như các Tuyên bố chung, Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ và các thỏa thuận, chương trình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, có ý nghĩa rất quan trọng để giúp hai nước cùng phát triển bền vững.

Để làm được điều đó, trước tiên, các bộ, ban, ngành và địa phương hai nước cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ và thấm nhuần ý nghĩa và giá trị to lớn của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào và sự đoàn kết giúp đỡ giữa hai Đảng, hai Nhà nước là yếu tố khách quan, quy luật lịch sử, một trong những nguồn sức mạnh to lớn nhất và có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Hai bên cần tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác, rà soát và đưa ra các cơ chế hợp tác mới; phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển của mỗi nước; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng-an ninh, hội nhập và mở rộng quan hệ quốc tế; phối hợp chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm cấp cao trong năm 2025; kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng trong năm 2025 như 80 năm Quốc khánh Việt Nam và 50 năm Quốc khánh Lào, 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 70 năm Ngày thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Lào, 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 105 năm ngày sinh của Chủ tịch Kaysone Phomvihane.

Hai nước Việt Nam-Lào cần làm sâu sắc hơn nữa trụ cột hợp tác về quốc phòng-an ninh, bảo đảm là chỗ dựa vững chắc cho nhau đối phó với thách thức an ninh ngày càng đa dạng và phức tạp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước, đặc biệt là xây dựng tuyến biên giới hai nước hoà bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và cùng phát triển.

Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Hai bên cần tập trung tạo đột phá trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận chiến lược hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2030 và Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2025.

Trong số đó có hợp tác xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ thông qua các dự án kết nối hai nền kinh tế về thương mại, đầu tư, hạ tầng giao thông, năng lượng (năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), tài chính, công nghệ, nông nghiệp, khoáng sản và du lịch; khuyến khích và thu hút doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh phù hợp với ưu tiên của Lào như năng lượng, chuyển đổi số, công nghệ, nông nghiệp, khai khoáng, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, du lịch; tăng cường trách nhiệm, chủ động kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ triển khai của các dự án để các thỏa thuận sớm trở thành hiện thực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cho quốc gia. Đây là những nội dung rất quan trọng để hai nước cùng phát triển.

Bên cạnh đó, hai nước cũng cần tiếp tục tăng cường hợp tác về văn hóa-giáo dục, giao lưu nhân dân; tuyên truyền và giáo dục sâu sắc hơn nữa về truyền thống mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam-Lào cho nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm tiếp tục “giữ gìn, phát huy và bảo vệ mối quan hệ này như giữ gìn chính con ngươi của mắt mình.”

Tôi tin tưởng chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đến Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào sẽ thành công tốt đẹp, tạo xung lực mới góp phần củng cố và vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên mọi lĩnh vực và mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.