Đại học Thủ Dầu Một trả lại 37 tỷ đồng học phí cho sinh viên

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầu trường Đại học Thủ Dầu Một trả lại 37 tỷ đồng học phí thu sai của sinh viên, sau khi trường nộp số này vào ngân sách.

Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Ngày 22/10, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh 9 tháng năm 2024, các Sở, ban, ngành, lãnh đạo của tỉnh Bình Dương đã trả lời các thông tin, các vấn đề nóng đang diễn ra tại tỉnh trong thời gian qua.

Trả lại 37 tỷ đồng thu dư học phí cho sinh viên

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về hướng xử lý 37 tỷ đồng thu sai học phí của sinh viên, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ Dầu Một (nhiệm kỳ 2023-2028) cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo trường hoàn trả lại tiền thu dư cho sinh viên.

Theo ông Cường, hiện lãnh đạo Trường đang tập trung rà soát dữ liệu sinh viên, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý trong thời gian sớm nhất. Trường sẽ cố gắng xử lý hài hòa, đúng quy trình, đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.

Trước đó, sau năm 2022, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán hoạt động Trường Đại học Thủ Dầu Một và có kết luận về nội dung thu học phí của sinh viên đối với tín chỉ thực hành.

Về nội dung này, năm học 2020-2021 và 2021-2022, trường chưa tự chủ tài chính, kinh phí hoạt động do ngân sách cấp bù nên việc thu thực hiện theo quy định của Nghị định 86/NĐ-CP ngày 02/10/2022 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với hệ thống giáo dục quốc dân.

Riêng học phí đối với tín chỉ thực hành, trường nhân hệ số 1,5 so với tín chỉ lý thuyết để bù đắp chi phí đào tạo.

Theo nhà trường, chi phí đào tạo thực hành cao hơn đào tạo lý thuyết. Cụ thể, theo Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chuẩn chương trình đào tạo thì một tín chỉ lý thuyết tương đương 15 giờ dạy, trong khi một tín chỉ thực hành tương đương 30 giờ dạy, tức chi phí giảng dạy và cơ sở vật chất dạy thực hành gấp 2 lần so với dạy lý thuyết.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo, khi dạy thực hành, trường phải chia quy mô từ 20-25 em/lớp, trong khi quy mô chuẩn theo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 40 em/lớp và quy mô này chỉ phù hợp học lý thuyết; đồng thời dạy thực hành cần tiêu hao vật tư thực hành.

Kiểm toán không thống nhất với cách hiểu và thu hệ số đối với tín chỉ thực hành như trường thực hiện, nên yêu cầu nhà trường hoàn trả phần thu này cho sinh viên hoặc nộp ngân sách nhà nước.

Sau khi có kết luận Kiểm toán ngày 22/12/2022, nhà trường có rà soát, đánh giá và ban hành các giải pháp thực hiện kết luận kiểm toán theo phương án hoàn trả cho sinh viên. Tuy nhiên, qua rà soát nhận thấy niên khóa 2020-2021, các em đã ra trường.

Bên cạnh đó, trường đào tạo đa ngành và mỗi chương trình đào tạo, mỗi môn học có tỷ lệ tín chỉ lý thuyết, thực hành khác nhau nên việc tính số tiền hoàn trả cho từng em là khó khả thi và không kịp tiến độ thời gian theo kết luận kiểm toán.

Do vậy, trường đã nộp ngân sách nhà nước theo nội dung kết luận kiểm toán để đảm bảo đúng tiến độ thời gian (phải thực hiện kết luận kiểm toán trước ngày 31/3/2023).

Sau khi thực hiện xong kết luận kiểm toán, trường có văn bản báo cáo với cơ quan kiểm toán và các cơ quan chuyên môn.

Nguyên nhân nhiều cán bộ Trung tâm Y tế Thuận An đồng loạt xin nghỉ việc

Cũng tại buổi họp báo, ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, kiêm Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thuận An, thông tin về việc 5 cán bộ tại Trung tâm Y tế thành phố Thuận An đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc.

Theo ông Chín, sau khi họp với Ban Giám đốc và các cán bộ y tế, Ban Giám đốc Trung tâm đã báo cáo vụ việc lên Ban Giám đốc Sở Y tế để nắm bắt thông tin.

Qua quá trình làm việc, 4 trong số 5 trường hợp đã rút đơn xin nghỉ việc. Trường hợp còn lại bị buộc phải nghỉ việc, nhưng phải hoàn trả số tiền tạm ứng 350 triệu đồng từ năm 2021, do chưa có hồ sơ chứng từ thanh quyết toán.

Trong số các trường hợp rút đơn, có một trường hợp đã tạm ứng 500 triệu đồng từ năm 2022 mà chưa có hồ sơ thanh quyết toán, ông Chín cho biết thêm

Hiện nay, Trung tâm Y tế Thuận An đang gặp khó khăn do nhiều nhà cung ứng từ chối cung cấp thuốc sau khi trúng thầu gói thuốc Generic. Lý do là các khoản nợ của Trung tâm Y tế với các công ty dược phẩm (tổng cộng 35 tỷ đồng), chưa được thanh toán đầy đủ.

Trung tâm đã cố gắng chi trả hơn 17 tỷ đồng, nhưng vẫn còn nợ hơn 8,5 tỷ đồng do chậm hoàn thành hồ sơ quyết toán từ năm 2022, 2023 và 5 tháng đầu năm 2024.

Những khoản nợ này vượt quá năm tài chính, khiến Trung tâm không thể chi trả, dẫn đến việc các nhà cung cấp dịch vụ như vệ sinh, văn phòng phẩm, mực in, và xử lý rác thải y tế cũng từ chối tiếp tục hợp tác.

Ngoài những vấn đề liên quan đến cán bộ, tại Trung tâm Y tế Thuận An đang xảy ra tranh cãi về việc khai thác kinh doanh trong khuôn viên trung tâm.

Hiện tại, khu vực nhà xe và căng tin của Trung tâm do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Tổng hợp Ngọc Hùng quản lý, nhưng công ty này đã không thanh toán tiền thuê mặt bằng trong 3 tháng (từ tháng 7-10/2024), viện dẫn lý do kinh doanh khó khăn.

Ban Giám đốc Trung tâm Y tế Thuận An trước đây đã tiến hành kiểm điểm tập thể và báo cáo với Sở Y tế, Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố Thuận An về các thiếu sót trong việc triển khai dự án xây dựng Khu khám và điều trị nội trú theo yêu cầu thông qua hình thức xã hội hóa.

Cụ thể, năm 2019, Trung tâm Y tế Thuận An đã xin ý kiến cơ quan chức năng và đưa khu đất 681m2 cùng lợi thế thương mại của Trung tâm vào liên doanh, liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hưng Khôi để xây dựng khu khám và điều trị nội trú.

Tuy nhiên, Ban Giám đốc Trung tâm Y tế Thuận An đã thừa nhận sai sót khi sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết, kinh doanh dịch vụ, cho thuê.

Theo quy định tại Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 của Bộ Tài chính, Trung tâm Y tế Thuận An, là một đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, thuộc đối tượng không được sử dụng đất Nhà nước giao không thu tiền cho các mục đích trên./.