Đại học đồng loạt tăng học phí, thí sinh cân nhắc chọn trường

Năm học 2022-2023, các trường đại học đồng loạt tăng học phí, nhiều đại học có mức học phí tăng gấp đôi. Theo đó, thí sinh cần cân nhắc khả năng tài chính khi chọn trường, chọn ngành.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khác với năm 2021, khi mức học phí cơ bản được các trường giữ nguyên, mùa tuyển sinh năm 2022, các trường đại học đã đồng loạt tăng học phí khi năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Nghị định 81/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27/8/2021 về cơ chế thu chi, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực đào tạo được áp dụng.

Theo Nghị định 81, mức trần học phí thấp nhất với các trường đại học chưa tự chủ tài chính năm học 2022-2023 là 1,2 triệu đồng/tháng, mức học phí tối đa là 2,45 triệu đồng tháng và không ngừng tăng trong các năm tiếp theo. Cụ thể, năm học 2023-2024, mức trần học phí cao nhất tăng lên 2,76 triệu đồng/tháng, năm học 2024-2025 là 3,11 triệu đồng/tháng, năm học 2025-2026 là 3,5 triệu đồng/tháng.

Đây là mức học phí áp dụng với các cơ sở giáo dục công lập chưa tự chủ tài chính. Với các cơ sở tự chủ tài chính, mức học phí có thể tăng gấp 2 đến 2,5 lần so với mức học phí trên, tùy theo mức độ tự chủ của các trường. Theo đó, với các cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính, mức học phí cao nhất có thể lên đến trên 6 triệu đồng/tháng với giáo dục đại học trong năm học 2022-2023 tới đây.

Mức trần học phí với các cơ sở giáo dục chưa tự chủ chi thường xuyên bậc đại học theo Nghị định 81.

Hiện nhiều trường đại học đã công bố tăng học phí trong năm học mới. Học phí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tăng học phí hệ đại trà từ 276.000 đồng/tín chỉ lên 440.559 đồng/tín chỉ (gấp 1,5 lần); hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/tín chỉ lên 1.321.677 đồng/tín chỉ (gấp 1,7 lần).

Học phí của Đại học Luật Hà Nội từ năm học 2022-2023 với sinh viên hệ chính quy khóa mới là là 572.000 đồng/tín chỉ cho hệ đại trà và 1,605 triệu đồng/tín chỉ cho hệ chất lượng cao. Năm ngoái­, mức thu đối với hệ đại trà là 280.000 đồng/tín chỉ và 990.000 đồng/tín chỉ với hệ chất lượng cao.

Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh công bố học phí cho sinh viên khóa mới với mức thấp nhất là 151 triệu đồng/khóa, tương đương gần 38 triệu đồng/năm. Hệ chất lượng cao của trường này thậm chí có mức học phí lên đến 765,9 triệu  đồng/khóa.

Ở khối ngành y dược, lĩnh vực có mức học phí cao nhất trong tất cả các nhóm ngành, học phí cho các tân sinh viên năm học sắp tới còn cao hơn rất nhiều.

[Học phí có thể tăng mạnh ở tất cả các cấp học: Phụ huynh lo lắng]

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến thu học phí 44,368 triệu đồng đồng/năm với nhóm ngành Y khoa, Dược học, Răng-hàm-mặt và 41 triệu đồng/năm với nhóm ngành đào tạo còn lại. Mức học phí mới tăng đến 30 triệu đồng so với mức học phí đang được đại học này áp dụng là 14,3 triệu đồng/năm đối với sinh viên hộ khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh, 28,6 triệu đồng/năm đối với sinh viên hộ khẩu tỉnh khác.

Đại học Y Hà Nội cũng tăng học phí lên gấp 1,7 lần áp dụng mức học phí cho khối ngành Y dược (gồm các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng) và Răng-hàm-mặt (từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 2,45 triệu đồng/tháng). Khối ngành Sức khỏe có mức tăng thấp hơn, từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 1,85 triệu đồng/tháng.

Theo lãnh đạo các trường đại học, với việc tăng học phí khá mạnh ở các trường, đặc biệt là khối ngành y dược, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về mức học phí của từng trường trong từng năm học để có sự lựa chọn ngành nghề, chọn trường phù hợp với khả năng tài chính của gia đình.

Hiện nhiều trường đại học đã có công bố các mức học bổng và các chế độ đãi ngộ với sinh viên. Tuy nhiên, số lượng sinh viên được hưởng học bổng khá hạn chế so với tổng số sinh viên của trường. Bên cạnh đó, học bổng chỉ áp dụng trong năm đầu tiên. Để có thể tiếp tục duy trì học bổng trong các năm tiếp theo, sinh viên cần phải có kết quả học tập tốt, đạt các yêu cầu, tiêu chí của trường đề ra.

Một điểm khác đáng lưu ý là một số trường công bố học phí theo tín chỉ trong khi không công bố tổng số tín chỉ của cả khóa học. Vì thế, khi tìm hiểu thông tin về học phí, thí sinh, phụ huynh cần hỏi rõ chi tiết học phí của ngành học trong cả khóa học để cân nhắc, tính toán phù hợp.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh sẽ được quyền điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo không giới hạn số lần đến 17 giờ ngày 20/8. Sau thời điểm này, hệ thống của bộ sẽ tự động đóng để thực hiện xét tuyển đợt 1./.

Phạm Mai (Vietnam+)