Đại diện ECOWAS lạc quan về một giải pháp ngoại giao cho Niger
Một đặc phái viên của ECOWAS về tình hình Niger, ông Abdulsalami Abubakar khẳng định giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại nước này là hoàn toàn trong tầm tay.
Ngày 22/8, một đặc phái viên của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) về tình hình Niger, ông Abdulsalami Abubakar khẳng định một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại nước này là hoàn toàn trong tầm tay.
Ông Abubakar đã có cuộc gặp với Tổng thống Nigeria Bola Tinubu - người hiện giữ cương vị Chủ tịch ECOWAS - để báo cáo về chuyến thăm của phái đoàn do ông đứng đầu đến Niger hôm 19/8 vừa qua.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, ông Abubakar cho biết cuộc thảo luận của phái đoàn ECOWAS với chính quyền quân sự ở Niger đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực, mở ra cơ hội đàm phán và hy vọng mang lại kết quả.
Theo ông Abubakar, ECOWAS sẽ tiếp tục cân nhắc mọi giải pháp cho tình trạng bế tắc chính trị-xã hội tại Niger.
Ông đã trao đổi với Chủ tịch ECOWAS về kế hoạch chuyển tiếp kéo dài tối đa 3 năm của chính quyền quân sự ở Niger. Chủ tịch ECOWAS Tinubu sẽ thảo luận kế hoạch này với những người đứng đầu nhà nước và chính phủ của các nước trong khu vực.
Ngày 19/8 vừa qua, phái đoàn ECOWAS do ông Abubakar đứng đầu đến Niger đã có cuộc gặp với chính quyền quân sự tại thủ đô Niamey, trong đó tập trung thảo luận vấn đề phục chức cho Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum. ECOWAS luôn khẳng định ưu tiên chuyển giao quyền lực nhanh chóng và hòa bình.
[ECOWAS muốn lập lại trật tự hiến pháp tại Niger sớm nhất có thể]
Ngày 22/8, Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng ra tuyên bố nhấn mạnh vai trò then chốt của đối thoại trong việc đảm bảo một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Niger.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ai Cập bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay tại Niger, đồng thời khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực nhằm giảm leo thang khủng hoảng và đảm bảo chủ quyền, ổn định của Niger.
Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh những nỗ lực này phải phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của Liên minh châu Phi (AU).
Trước đó cùng ngày, AU thông báo đình chỉ tư cách thành viên của Niger sau vụ đảo chính quân sự tại nước này, đồng thời khuyến cáo các nước thành viên tránh mọi hành động dẫn tới việc hợp pháp hóa chính quyền quân sự tại Niger.
Cuối tháng Bảy vừa qua, một nhóm sỹ quan thuộc Lực lượng cận vệ của Tổng thống Niger đã tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum. Lực lượng đảo chính đã thành lập Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc, đứng đầu là Tướng Abdurahmane Tchiani, để điều hành đất nước.
Sau cuộc đảo chính, ECOWAS đã áp đặt trừng phạt Niger và đang xem xét các phương án nhằm "khôi phục trật tự hiến pháp" ở nước này, bao gồm cả khả năng can thiệp quân sự, song vẫn cam kết tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
Ngày 19/8 vừa qua, Tướng Abdurahmane Tchiani tuyên bố giai đoạn chuyển tiếp ở quốc gia Tây Phi này sẽ không kéo dài quá 3 năm, đồng thời cảnh báo các nước bên ngoài không được can thiệp quân sự vào tình hình Niger./.