Đại biểu Quốc hội: Tăng giám sát sử dụng ngân sách đặc thù xây dựng pháp luật
Theo đại biểu Quốc hội, việc ban hành nghị quyết chuyên biệt cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật là hoàn toàn xứng đáng, đúng tầm với vai trò quan trọng, chiến lược của công tác này
Sáng 16/5, thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, các đại biểu đã có những góp ý chi tiết, trọng tâm, nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả thực thi và đảm bảo nguyên tắc kiểm soát quyền lực.
Cần bộ lọc để loại bỏ lợi ích nhóm
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là công tác có tính chất đặc biệt quan trọng, quyết định trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, thực tế còn đang gặp không ít khó khăn trong việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, từ khâu hoạch định chính sách, soạn thảo văn bản cho đến tổ chức thi hành.
Chính vì vậy, việc Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên biệt, có tính đột phá, nhằm tạo cơ chế đặc thù về tài chính, nhân lực, công nghệ cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là hoàn toàn xứng đáng và đúng tầm với vai trò quan trọng, chiến lược của công tác này.
Để hoàn thiện dự thảo luật, trong đó là việc thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật ngoài ngân sách, hoạt động không vì lợi nhuận tại Điều 6, theo nữ đại biểu đoàn Hải Dương, quy định tại Dự thảo sẽ giúp đa dạng hóa nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính linh hoạt, hỗ trợ kịp thời cho những đề án, dự án không được nhà nước cấp kinh phí hoặc cần bổ sung kinh phí phù hợp. Tuy nhiên cần làm rõ tính khả thi trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách.
Đại biểu cho rằng việc thành lập một số Quỹ ngoài ngân sách nhưng việc huy động nguồn lực rất khó khăn và công tác triển khai sử dụng nguồn kinh phí của một số Quỹ cũng chưa thực sự hiệu quả, việc vận động đóng góp cho công tác xây dựng pháp luật thường khó cạnh tranh so với các lĩnh vực xã hội dễ thu hút tài trợ hơn như y tế, giáo dục, môi trường…
Do đó, cần xem xét nghiên cứu xây dựng cơ chế cụ thể để khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đồng hành cùng Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật.
Ngoài ra, đại biểu kiến nghị cần có quy định rõ ràng, hợp lý hơn về tỷ lệ và giới hạn sử dụng nguồn tài chính từ Quỹ so với nguồn ngân sách nhà nước trong một nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật, để đảm bảo sự cân đối trong việc sử dụng và phân bổ các nguồn lực tài chính. Việc phân bổ tỷ lệ cần dựa trên nguyên tắc ưu tiên cho các nhiệm vụ chưa được ngân sách bố trí hoặc các nhiệm vụ cần hỗ trợ đột xuất, linh hoạt, nhanh chóng.

Cùng nội dung này, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh đến công tác sử dụng hiệu quả các quỹ hiện nay. Theo đó, việc chúng ta thành lập quỹ để tổ chức triển khai Nghị quyết 66, tinh thần quán triệt là đúng, nhưng ngay trong điều khoản cũng yêu cầu chống lợi ích nhóm, mà chống lợi ích nhóm ở đây trong xây dựng thể chế là một điều sẽ rất khó để nhận diện.
Từ dẫn chứng trên, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị cần phải có “bộ lọc” để quỹ này đưa vào thực hiện đúng mục đích, đúng tôn chỉ và rút kinh nghiệm được những vấn đề mà hiện nay rất nhiều quỹ tài chính ngoài nhà nước đã được thành lập nhưng sử dụng không hiệu quả, chủ yếu trông chờ vào vốn điều lệ ngân sách nhà nước cấp…
Ràng buộc trách nhiệm, tránh lạm quyền
Góp ý đối với Điều 4 về ngân sách thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng quy định tại Khoản 1 hiện nay còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Cụ thể, việc quy định ngân sách đảm bảo không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách Nhà nước dễ dẫn đến thiếu khả năng thích ứng với điều kiện thực tế và cân đối ngân sách trong dài hạn.
Đại biểu đề xuất viết lại khoản này theo hướng mở, đảm bảo ngân sách cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm, đồng thời cho phép điều chỉnh tăng dần theo yêu cầu phát triển và tình hình cân đối ngân sách Nhà nước, có phương án điều chỉnh khi kinh tế-xã hội biến động lớn.
Đại biểu đề nghị khoản chi ngân sách này cần được quy định rõ ràng và công khai, bao gồm cả nội dung chi, đối tượng chi, hình thức quản lý, và cần được kiểm toán độc lập, công khai quyết toán hằng năm. Để giám sát hiệu quả, cần bổ sung Khoản 9 vào Điều 4: "Việc sử dụng ngân sách kèm theo Nghị quyết này phải được kiểm toán độc lập; công khai quyết toán hàng năm; bảo đảm sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan thanh tra, kiểm toán và toàn xã hội."
Góp ý tại Khoản 7, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị không chỉ dừng lại ở cụm từ "chịu trách nhiệm trong việc sử dụng ngân sách được giao" mà phải quy định rõ trách nhiệm giải trình, kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với người đứng đầu cơ quan sử dụng ngân sách, để tăng cường phòng chống lạm quyền, ngăn chặn lợi ích nhóm, do vậy cần sửa thành: "chịu trách nhiệm giải trình trước cấp có thẩm quyền; chịu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý, cơ quan kiểm toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan."
Tương tự, tại Khoản 8, đề xuất miễn trách nhiệm và không hoàn trả kinh phí cần bổ sung điều kiện kiểm tra xác nhận rõ ràng. Đại biểu kiến nghị chỉ được miễn trách nhiệm sau khi có xác nhận bằng văn bản từ cơ quan thanh tra, kiểm tra hoặc cấp có thẩm quyền, bảo đảm việc sử dụng kinh phí đã đúng quy trình pháp luật.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết về nguyên tắc áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt, vượt trội, các đại biểu đều khẳng định cần phải đúng đối tượng được thụ hưởng theo Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị và việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội phải gắn với việc nâng cao chất lượng của công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực phòng chống tham nhũng để không được lạm dụng và trục lợi chính sách.
Vì vậy, để tránh được sự hướng lái chính sách và lợi ích nhóm, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến này trong quá trình xây dựng Nghị định của Chính phủ về Quỹ, dự kiến sẽ thiết kế theo hướng "trong Hội đồng quản lý Quỹ có đại diện của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, giống như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó là trong Hội đồng thẩm định có đại diện 2 cơ quan này"./.