Đại biểu Quốc hội: Kỹ năng thoát nạn không được dừng lại ở lý thuyết

Đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Luyến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết và cụ thể hơn về kỹ năng thoát nạn, để kỹ năng này không chỉ dừng lại ở việc trang bị về lý thuyết.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Vũ Hồng Luyến phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 1/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Góp ý dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) bày tỏ quan tâm đến nội dung về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ dân, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu cho biết Điều 7 của dự thảo Luật đang quy định người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm thành lập, duy trì hoạt động Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành hoặc phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, tại Điều 22 quy định về điều kiện an toàn phòng cháy đối với cơ sở cũng yêu cầu phải thành lập lực lượng này ở cơ sở hoặc lực lượng cơ sở chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Đồng thời tại khoản 4, Điều 37 quy định Chính phủ quy định cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, cơ sở phải thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành.

Giữa các quy định của dự thảo Luật chưa có sự thống nhất, chưa rõ ràng trường hợp nào thì cơ sở chỉ cần phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mà không cần thành lập đến cấp Đội.

"Cần rà soát, chỉnh lý các quy định này để bảo đảm tính thống nhất," đại biểu Nguyễn Minh Tâm góp ý kiến.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Đỗ Văn Yên (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng hiện nay, nhiều cơ sở không đáp ứng được được tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn hoạt động hoặc khi có sự cố mới phát hiện ra các vi phạm. Do đó, cần có những quy định chi tiết hơn về tiến độ kiểm tra định kỳ và công khai, minh bạch kết quả kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm quy định là các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải công khai kết quả kiểm tra phòng cháy, chữa cháy hàng năm trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại cơ sở; bổ sung thêm các điều khoản là các cơ sở kiểm tra định kỳ 6 tháng 1 lần về tình trạng hoạt động của các hệ thống phòng cháy, chữa cháy.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cũng tại hội trường, đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) cho biết hiện theo quy định, cơ quan công an chỉ thẩm định đối với thiết kế sau thiết kế cơ sở, không còn bước cho ý kiến đối với giai đoạn chuẩn bị đầu tư (lập báo cáo nghiên cứu khả thi). Do vậy, sẽ xảy ra trường hợp phải điều chỉnh dự án hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư khi cơ quan công an có ý kiến thẩm định chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Điều này sẽ làm phát sinh các thủ tục điều chỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung nội dung thẩm định của cơ quan Công an đối với bước chuẩn bị dự án (bước lập Báo cáo nghiên cứu khả khi đầu tư xây dựng) và thẩm định đối với công trình, dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng khi thuộc đối tượng thẩm định về phòng cháy, chữa cháy cho đầy đủ.

Bày tỏ quan tâm tới vấn đề bổ sung phòng cháy đối với chung cư cao tầng, theo đại biểu Vũ Hồng Luyến (Hưng Yên), hiện nay nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác ngăn cháy, chống cháy, cứu nạn, cứu hộ không còn đảm bảo.

Do đó, cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đảm bảo tối thiểu cho xe phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng có thể tiếp cận được khi cháy, nổ xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.

Đồng thời, đại biểu Vũ Hồng Luyến nhấn mạnh “kỹ năng thoát nạn là một kỹ năng cơ bản đặc biệt quan trọng đối với người dân trong bất kỳ một vụ cháy nào xảy ra." Do đó, để có thể bảo vệ bản thân, người xung quanh và giúp bớt thương vong cũng như làm tốt công tác phối hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ xảy ra, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết và cụ thể hơn nữa về kỹ năng thoát nạn.

“Việc làm này nhằm để kỹ năng thoát nạn không chỉ dừng lại ở việc trang bị về lý thuyết và kiến thức mà phải trở thành một phản xạ tự nhiên của mỗi người dân khi có bất kỳ một vụ cháy, nổ dù lớn hay bé xảy ra," đại biểu Hưng Yên nêu ý kiến.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Giải trình, tiếp thu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ nghiên cứu, tiếp thu thấu đáo, giải trình cụ thể để hoàn chỉnh dự án Luật. Bên cạnh đó, hai cơ quan này đã tham mưu, hoàn chỉnh các chính sách trên tinh thần tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an toàn cho người dân là trên hết; đồng thời tháo gỡ những khó khăn còn vướng mắc trong thực tế hiện nay.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật do luật giao để có hiệu lực; đồng thời triển khai trong thực tiễn; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương có báo cáo tổng hợp để gửi đại biểu Quốc hội và chuyển cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình, trình với Quốc hội thông qua theo đúng chương trình của kỳ họp./.