Đại biểu Quốc hội kiến nghị sớm sửa Luật về tác hại thuốc lá, thêm Luật Dân số
Bày tỏ lo ngại trước thực trạng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và nguy cơ già hóa dân số, một số đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội sớm sửa Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; bổ sung Luật Dân số.
Chia sẻ nỗi trăn trở trước thực trạng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là trong giới trẻ, một số ý kiến đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ sớm bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2025 đối với Luật Dân số và dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá… vì tương lai của thế hệ trẻ.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới ngày càng tăng
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận ngày 30/5, đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho biết mới đây Ủy ban Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có phiên giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhằm nhận diện tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Phiên giải trình trên cũng nhằm đánh giá thực trạng mua bán, sử dụng và công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
“Qua phiên giải trình cho thấy nghịch lý là tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là trong giới trẻ,” đại biểu Thái Thị An Chung nói.
Dẫn báo cáo của Bộ Y tế, đại biểu Thái Thị An Chung cho biết tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã tăng nhanh chóng, nhất là nhóm tuổi từ 13-17; tuy nhiên phản ứng chính sách của Việt Nam thì lại rất chậm.
Bộ Y tế cho rằng khó khăn, vướng mắc hiện nay là Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 chưa điều chỉnh các loại sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện sau khi luật ban hành, cho nên thiếu một cơ chế pháp lý để nhận diện và quản lý.
“Tuy nhiên, trong dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, tôi vẫn thấy thiếu vắng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá,” bàChung trăn trở.
Đại biểu Thái Thị An Chung nhấn mạnh ngày mai (31/5) là Ngày Thế giới không thuốc lá và chủ đề mà Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn trong năm 2024 là “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá.” Ở Việt Nam, tuần lễ này cũng chính là “Tuần lễ quốc gia không thuốc lá” với nhiều hoạt động truyền thông mít tinh diễn ra ở các ngành cũng như các địa phương.
“Vì tương lai của thế hệ trẻ, tôi rất mong Chính phủ sớm bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2025 dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và có thể áp dụng quy trình xem xét, thông qua một kỳ họp,” vị đại biểu của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An kiến nghị.
Có chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn thành phố Hà Nội) cũng tha thiết đề nghị Quốc hội sớm sửa Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá theo quy trình rút gọn ở một kỳ họp mà cụ thể là Kỳ họp thứ 8 tới đây, để đưa ngay nội dung phòng, chống tác hại thuốc làm mới vào luật này.
“Tại phiên giải trình gần đây cho thấy Bộ Y tế, Bộ Công an, Ủy ban Xã hội và cả đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng cơ bản thống nhất là cấm ngay, cấm triệt để việc sản xuất, lưu thông, buôn bán và sử dụng thuốc làm mới; và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới tại cuộc họp đó là cấm triệt để thuốc lá mới ở Việt Nam,” đại biểu Nguyễn Anh Trí nói và bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ ưu tiên cho đề xuất này.
Sớm xây dựng Luật Dân số
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cũng lưu ý Việt Nam đang trong thời kỳ dân số hóa già nhanh chóng. Do vậy, ông đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tích cực chuẩn bị và đề nghị Quốc hội sắp xếp chương trình cho việc xây dựng Luật Dân số càng sớm càng tốt để tận dụng cơ hội dân số vàng của đất nước.
Có chung quan điểm, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội bổ sung Luật Dân số vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, bởi theo nữ đại biểu thì dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước trước 2 vấn đề đặt ra là: “Tận dụng cơ hội dân số vàng và đối mặt nguy cơ già hóa dân số.”
Theo đại biểu Tô Ái Vang, năm 2023, Ủy ban Các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc đã xác định già hóa dân số là một xu hướng mang tính toàn cầu.
Còn ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, quy mô dân số năm 2023 của Việt Nam trên 100 triệu dân, số lượng và tỷ trọng dân số đang trong độ tuổi lao động chiếm 70% dân số, trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang sở hữu vựa lao động tuổi vàng, nhưng lại đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước.
“Chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt về thể chất, tuổi thọ, trình độ văn hóa, sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên mô hình dân số nước ta đang có nghịch lý là mức sinh thay thế ở miền núi cao hơn đồng bằng, nông thôn cao hơn thành thị; nhóm đối tượng nghèo thường sinh con nhiều hơn so với các nhóm còn lại, tỷ số giới tính khi sinh vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên,” đại biểu Tô Ái Vang nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có tác động dân số nhanh nhất thế giới, dự kiến bước vào thời kỳ dân số vàng vào năm 2038. Do vậy, đại biểu Tô Ái Vang cho rằng cần tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
“Vì thế, việc Chính phủ sớm trình Quốc hội bổ sung Luật Dân số vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 là yêu cầu mang tính cấp thiết,” đại biểu Tô Ái Vang nói./.