Đại biểu Quốc hội: Học sinh là đối tượng dễ bị lôi kéo vào tệ nạn ma túy
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, học sinh, sinh viên chính là đối tượng dễ bị lợi dụng, lôi kéo nhất nên việc tuyên truyền phòng, chống ma túy cần thực hiện thường xuyên, liên tục trong trường học.
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Chia sẻ quan điểm bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng học sinh là đối tượng dễ bị lôi kéo vào tệ nạn ma túy, vì vậy cần tăng cường tuyên truyền kiến thức và kỹ năng về phòng, chống ma túy trong nhà trường, cũng như huy động đội ngũ cán bộ Đoàn thanh niên vào cuộc để vận động, tuyên truyền.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh ma túy là hiểm họa, gây tác hại đến nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, những hậu quả khôn lường của ma túy làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đến duy trì nòi giống và an ninh quốc gia; ma túy luôn rình rập quanh ta, nó có thể tấn công bất cứ lúc nào nếu chúng ta không kịp thời phòng, chống.
Đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) đánh giá Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 đã đạt những kết quả rất tốt về tuyên truyền phòng ngừa; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, với diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay, tệ nạn ma túy trên thế giới và các nước láng giềng ngày càng gia tăng, ảnh hướng ít nhiều đến vấn đề phòng, chống ma túy trong nước.
Bên cạnh đó, tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy, số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong nước ngày càng tăng, đáng lo ngại là độ tuổi người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa.
Trong 10 tháng năm 2024, có gần 800 đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” gây ra phạm pháp hình sự, trong đó có 4 vụ giết người.
Cả nước hiện có 226.000 người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý. Khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi 15-25, trong đó có nhiều đối tượng ở độ tuổi 13-15.
“Việc quyết định xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu cấp bách và khách quan, xuất phát từ thực tiễn tình hình," đại biểu nhấn mạnh.
Để hoàn thiện dự thảo và khi ban hành nghị quyết chương trình, đại biểu phân tích, ai cũng mong muốn các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy sớm được phát hiện, triệt phá hoàn toàn.
Tuy nhiên, trên thực tế, các đối tượng bán lẻ ma túy rất đa dạng, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau nên khó phát hiện. Vì vậy, chỉ tiêu “các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%” ghi trong dự thảo Nghị quyết là cao, cần xem xét lại.
Đồng tình với quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cho rằng việc cân nhắc chỉ tiêu phấn đấu các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy được phát hiện, triệt phá 100% là cần thiết.
Bên cạnh đó, đại biểu nêu thực trạng hành vi bán ma túy ngày càng tinh vi, có gói kẹo rất đơn giản, giá rẻ bán cho học sinh, sinh chứa chất ma túy.
Đối tượng bán chất ma túy lợi dụng nhóm yếu thế thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế về hiểu biết để cung cấp ma túy. Địa hình vùng núi hiểm trở, phức tạp khiến lực lượng tuần tra không kiểm soát được hết. Công nghệ cao bùng nổ nên tội phạm ma túy có thể trồng cây có chất gây nghiện ở nhiều nơi, bằng nhiều cách như trồng trong nhà, trồng không có đất...
Để thực hiện được chỉ tiêu 100% điểm tụ, điểm phức tạp về ma túy được phát hiện triệt phá, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh nêu ý kiến Bộ Công an nên đề ra biện pháp yêu cầu Công an các cấp rà soát, nắm tình hình, khi phát hiện phải triệt phá và có thời hạn hoàn thành để quyết liệt hơn.
Ngoài ra, trong Chương trình cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ, nhà giáo làm công tác giáo dục phòng, chống ma túy được trang bị kiến thức và kỹ năng về phòng, chống; 100% nhà trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng pháp luật về phòng, chống ma túy cho người học.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, học sinh, sinh viên chính là đối tượng dễ bị lợi dụng, lôi kéo nhất nên việc tuyên truyền phòng, chống ma túy cần thực hiện thường xuyên, liên tục trong các trường học. Chính cán bộ, nhà giáo là người gần gũi nhất với học sinh, sinh viên nên việc các thầy cô được trang bị kiến thức và kỹ năng về phòng, chống ma túy là cần thiết.
Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng bên cạnh đội ngũ cán bộ, nhà giáo được trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống ma túy thì Ban soạn thảo Chương trình cần nghiên cứu, bổ sung thêm đội ngũ cán bộ Đoàn thanh niên. Đây là đội ngũ trẻ tuổi, tiếp cận với học sinh, sinh viên rất dễ dàng và cũng có thể thuyết phục các đối tượng nghiện ma túy chấp hành cai nghiện một cách hiệu quả./.