Đại biểu Quốc hội 'hiến kế' để tăng tốc các dự án giao thông đường bộ
Quá trình triển khai quy định pháp luật về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã phát sinh một số vấn đề cần điều chỉnh, do đó đại biểu Quốc hội đã đề xuất giải pháp giải quyết việc này.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã đẩy mạnh việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đến nay đã đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm, trong đó có nhiều tuyến cao tốc đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Tuy nhiên, quá trình triển khai quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã phát sinh một số vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, nhằm khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công.
Đây là một trong những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến để tháo gỡ các vướng mắc.
Dự án nào cũng phải 'vì dân'
Một trong những vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách ở lĩnh vực giao thông đường bộ là giải phóng mặt bằng, bởi đây là “hòn đá” cản tiến độ của dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Cao tốc Bắc-Nam và nhiều công trình khác.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus bên lề Kỳ họp thứ 6, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng dự án Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục) chậm tiến độ nhiều năm do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng, đền bù, di dời.
Theo ông Cường, Hà Nội phải nhìn xa hơn trong việc tính toán phương án giải tỏa.
“Chúng ta không chỉ mở một con đường lớn, mà phải tạo ra sự phát triển đô thị, chỉnh trang diện mạo của thành phố, vì mục tiêu lớn nhất là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Do đó, lãnh đạo thành phố phải tính đến phương án làm sao để những người chịu tác động của dự án thực sự được hưởng lợi,” Đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
[Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ dự án đường vành đai 1]
Phân tích kỹ hơn, ông Cường cho rằng đây không chỉ là việc mở một con đường, bồi thường một khoản tiền cho người dân bị thu hồi đất, mà lãnh đạo thành phố phải có chính sách tái định cư thỏa đáng, phải tạo ra một sự thay đổi tốt đẹp hơn cho đời sống người dân nằm trong phạm vi tác động của dự án.
Trong cuộc thảo luận ở tổ về cơ chế, chính sách đặc thù cho đầu tư xây dựng dự án giao thông đường bộ, Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Hà Nội, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng cần tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần hoặc tiểu dự án trong dự án tổng thể và giao cho địa phương có tuyến đường đi qua thực hiện.
Về việc bố trí vốn của địa phương và ngân sách Trung ương, ông Thường cũng cho rằng cần ưu tiên bố trí đủ cho dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng tại từng địa phương.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nhất trí với quan điểm này. Ông cũng nhấn mạnh rằng phải tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi tổng thể dự án để đẩy nhanh tiến độ. Phần bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư do Nhà nước triển khai thực hiện và không tính vào tổng số vốn đầu tư của dự án.
Đề xuất tăng vốn Nhà nước
Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo nghị quyết với 5 nhóm chính sách để gỡ khó cho các dự án giao thông đường bộ.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất nâng tỷ lệ vốn Nhà nước trong tổng vốn đầu tư các dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công tư (PPP) lên 70% trong dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long nhất trí với nội dung này và cho rằng chính sách sẽ giúp phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn; tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ; tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện.
“Khi các dự án được hoàn thành sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương còn khó khăn, đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp và người dân,” vị đại biểu này nêu ý kiến.
Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận việc Chính phủ trình Quốc hội việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia lên 70% tổng mức vốn đầu tư là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhưng đây chưa phải là yếu tố căn bản để tăng cường thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách vào dự án giao thông đường bộ bởi theo kinh nghiệm quốc tế đối với các dự án PPP, quan trọng là cơ chế và hiệu quả dự án sẽ thu hút vốn tư nhân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, để giải quyết triệt để, Chính phủ và Bộ Giao thông-Vận tải có mong muốn lớn hơn, đó là phải sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư – PPP.
“Theo kinh nghiệm quốc tế, các dự án PPP không khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia. Nhà nước có thể tham gia đến 80%, với các dự án hiệu quả cao thì Nhà nước chỉ cần cấp vốn 20%-30%. Rất linh hoạt,” Bộ trưởng cho hay.
Ở giai đoạn này, theo Bộ trưởng Giao thông-Vận tải, việc nâng 70% vốn Nhà nước đã là rất đột phá, tạo sức hút đầu tư tư nhân vào các dự án PPP tốt hơn so với mức vốn hiện nay là 50%, được kỳ vọng có thể giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tốt hơn.
Về việc thu phí với các dự án quốc lộ, đường cao tốc giao địa phương đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết việc theo dõi bảo trì, bảo dưỡng rất quan trọng và chi phí rất lớn. Nếu để địa phương thực hiện thì nhiều địa phương không đủ khả năng tài chính để duy tu, bảo dưỡng đường cao tốc.
“Với một số tuyến đường có sự tham gia của cả ngân sách Trung ương và địa phương, sau này Quốc hội cho cơ chế thu phí thì sẽ thu chung và chia sẻ tỷ lệ, do đó sẽ không gây ra vướng mắc,” Bộ trưởng nêu rõ./.