Đại biểu Quốc hội: Cần quyết liệt đẩy lùi nạn đua xe, lạng lách, đánh võng
Theo nhiều đại biểu Quốc hội cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục từ nhà trường tới gia đình, ngoài xã hội để nâng cao nhận thức trong việc ngăn ngừa thanh thiếu niên vi phạm pháp luật giao thông.
Liên quan đến vụ việc một nhóm thanh niên điều khiển xe môtô lạng lách, đánh võng gây tai nạn nghiêm trọng cho người tham gia giao thông tại Hà Nội, bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu đã thể hiện sự bức xúc, đề nghị có các giải pháp căn cơ, quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn, trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết đua xe, đánh võng, lạng lách là những hành vi vi phạm an toàn giao thông nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Hiện tượng thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô với tốc độ cao, lạng lách, gây nỗi sợ hãi cho người lưu thông, tác động tiêu cực đối với xã hội.
“Chúng ta đã có những giải pháp ngăn chặn, đã làm rồi nhưng bây giờ cần phải làm một cách nghiêm khắc hơn, mang tính răn đe hơn, không chỉ tịch thu phương tiện, mà có thể xử lý hình sự nếu như gây thiệt hại, tổn hại tài sản của người khác tham gia giao thông,” đại biểu Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Về giải pháp lâu dài, theo đại biểu Trần Anh Tuấn, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục từ nhà trường cho tới gia đình, ngoài xã hội để nâng cao nhận thức của các gia đình trong việc kiểm soát, ngăn ngừa thanh thiếu niên vi phạm pháp luật trong điều khiển phương tiện giao thông.
Có cùng quan điểm với đại biểu Trần Anh Tuấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, để ngăn ngừa, răn đe tình trạng đua xe, lạng lách, Nhà nước đã có đầy đủ, thậm chí có những chế tài khá nặng. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên ra quân để hạn chế, kiềm chế việc này.
Tuy nhiên, đại biểu đặt vấn đề, vì sao hiện tượng này vẫn xảy ra và xảy ra một cách thường xuyên, liên tục, thậm chí đã trở thành nỗi ám ảnh của những người tham gia giao thông và hậu quả rất lớn.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, nguyên nhân sâu xa nhất hiện nay không phải là do chế tài, cũng không phải do các cơ quan chức năng không đủ lực, mà vấn đề nằm ở ý thức của chính những người tham gia giao thông.
“Những người hay vi phạm, đặc biệt là tổ chức các cuộc đua xe, đều là giới trẻ, thậm chí có những em chỉ đang tuổi học ở cấp trung học cơ sở. Theo quy định, các em chưa đủ tuổi để điều khiển phương tiện giao thông gắn máy phân khối lớn; nhưng tại sao các em vẫn điều khiển, thậm chí tham gia cuộc đua xe như thế? Những cuộc đua xe, tôi theo dõi đều bắt đầu vào thời điểm cũng khá là khuya khoắt. Thế thì tại sao, trong thời điểm đấy lẽ ra các em còn phải ở nhà, được bố mẹ quản lý, nhưng lúc bấy giờ lại đang ở ngoài đường, tổ chức, tham gia những cuộc đua xe sau những cuộc nhậu, cuộc vui chơi ở vũ trường... Ở đây, không thể không nói đến trách nhiệm của gia đình trong vấn đề giáo dục và quản lý con em mình," đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.
Theo đại biểu, điều chúng ta cần hướng đến trong thời gian tới, không phải chỉ tập trung vào nâng cao chế tài xử phạt hay kêu gọi các cơ quan chức năng ra quân mạnh mẽ hơn nữa, mà còn cần phải tuyên truyền, nâng cao ý thức của các bậc làm cha, làm mẹ, những người có liên quan có trách nhiệm hơn trong quản lý và giáo dục con em mình.
“Hiện nay, tôi thấy có những khi cha mẹ còn tiếp tay cho con. Ví dụ như chiều con, khi biết chắc chắn con chưa đủ điều kiện để điều khiển các phương tiện tham gia giao thông như xe gắn máy từ 50 phân khối trở lên nhưng vẫn cố tình giao xe cho con. Không ít bậc cha mẹ lầm tưởng rằng việc chiều con như trên là mình đang làm tốt cho con, nhưng thực ra đấy là một việc làm vô cùng tai hại, không những hại con mà còn cả những người xung quanh,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ bức xúc.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), cũng bày tỏ sự bức xúc trước thái độ vô trách nhiệm của nhiều bậc cha mẹ khi để con cái gây ra tai nạn giao thông do điều khiển phương tiện giao thông trái pháp luật. Thay vì nhận trách nhiệm, nhiều bậc phụ huynh còn "kiếm cớ" đổ tại con.
Theo đại biểu, hiện pháp luật đã quy định buộc cha mẹ có trách nhiệm liên đới khi con cái vi phạm pháp luật, nhưng việc thực hiện còn khó khăn, do vậy, chỉ có cách là “tịch thu xe, phạt thật nặng."
Dù thanh thiếu niên là người cần bảo vệ để bảo đảm tính nhân văn, nhưng những đối tượng manh động, phóng nhanh, vượt ẩu thì không nằm trong diện cần nhân văn, đại biểu nói./.