Đại biểu QH: Cần có cơ chế, giải pháp giảm học phí ở mức thấp nhất

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng cần có cơ chế, giải pháp giảm học phí các cấp học ở mức thấp nhất, hỗ trợ tốt nhất cho các em vì trẻ em dưới 18 tuổi cần có môi trường học tập để phát triển.

Nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục được nhiều đại biểu đưa ra ý kiến đề xuất và thảo luận. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 1/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Tại hội trường, nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục được các đại biểu đưa ra ý kiến đề xuất và thảo luận.

Nỗi lo học sinh trầm cảm, tự kỷ gia tăng

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương cho ý kiến cần đẩy mạnh việc thu hút đầu vào, siết chặt đầu ra ở bậc đại học. Bởi theo đại biểu, giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển đất nước và ổn định an sinh xã hội. Một xã hội sẽ không phát triển nếu thiếu nhận thức và không có nền giáo dục tốt hay giáo dục mà không có giá trị trung thực, thì cải cách mấy cũng bằng thừa. Đó là những vấn đề mà người dân quan tâm.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nêu thực tế lâu nay việc thi tuyển khắt khe ở đầu vào nhưng đầu ra lại buông lỏng dẫn đến chất lượng không đảm bảo và không có chọn lọc và sàng lọc. Trên cơ sở đó, đại biểu đề xuất nghiên cứu chính sách theo hướng thu hút đầu vào và siết chặt đầu ra.

“Bên cạnh đó là những bất cập về cải cách, thay đổi chương trình và mức học phí của các bậc học. Tại sao lại tăng kinh phí, học phí đào tạo, các khoản phí khác, hay siết chặt đầu vào mà buông lỏng đầu ra?” đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đặt câu hỏi.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, các bậc tiểu học, trung học cơ sở hay phổ thông trung học cần có cơ chế, giải pháp giảm học phí ở mức thấp nhất, hỗ trợ tốt nhất cho các em vì trẻ em dưới 18 tuổi cần có môi trường học tập để phát triển.

Mặt khác, đại biểu cho rằng áp lực học tập từ nhà trường, từ gia đình các em học sinh là nguyên nhân hàng đầu gây tự kỷ, trầm cảm với nhiều vấn đề sinh lý khác cho học sinh, sinh viên hiện nay.

Đại biểu Dung dẫn chứng một thực tế buồn hiện nay đó là tỷ lệ học sinh trầm cảm, tự kỷ hay vụ việc tự tử có liên quan đến điểm số và thành tích vẫn không ngừng tăng, dẫn tới những vụ việc gây xót xa, nỗi đau lớn cho gia đình và hệ lụy trong xã hội.

Do vậy, đại biểu cho rằng việc học tập và vui chơi chung và cộng đồng là rất cần thiết trong việc kích thích tương tác và phát triển khả năng tư duy sáng tạo và giải trí của giới trẻ, từ đó tránh được những áp lực từ nhiều phía cho học sinh, phụ huynh và thầy cô.

Gỡ vướng mắc trong tự chủ đại học

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Nam bày tỏ quan tâm đến vai trò của đại học đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia. Cụ thể là các vấn đề về tự chủ đại học; hợp tác giữa nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp; kiểm định chất lượng giáo dục đại học; triển khai sâu rộng quản trị đại học tiên tiến; phát triển sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giảng viên, cán bộ quản trị đại học…

Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng cho rằng thời gian qua, tự chủ đại học đã thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước với nhiều kết quả tích cực, các trường đại học đã thay đổi và phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần được xem xét một cách tổng thể và kịp thời tháo gỡ.

Đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: quochoi.vn)

Theo đại biểu, trong thời gian tới, cần có khung pháp lý rõ ràng về vai trò chỉ đạo, quản trị và điều hành giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban giám hiệu nhà trường để tránh sự chồng chéo và tạo ra xung đột không đáng có đồng thời quy định rõ trách nhiệm giải trình.

Đại biểu khẳng định, "tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình" là hai mặt không thể tách rời, thiếu trách nhiệm giải trình sẽ dễ biến tự chủ thành tự trị. Đại biểu nêu rõ có hai công cụ quan trọng để thực hiện trách nhiệm giải trình, đó là kiểm định chất lượng giáo dục và công khai, minh bạch thông tin hoạt động của trường đại học.

Nhấn mạnh tự chủ đại học là một vấn đề liên ngành, liên bộ, đại biểu đề nghị để tạo ra sự đột phá trong tự chủ đại học, Chính phủ nên cân nhắc lập một Ủy ban hoặc một Hội đồng cấp quốc gia về tự chủ đại học để giải quyết triệt để các vướng mắc và tạo ra động lực giúp các trường đại học tự chủ thực chất./.

Nhóm PV (Vietnam+)