Đại biểu kỳ vọng vào những quyết sách nhằm ổn định nền kinh tế
Trước báo cáo của Ủy ban kinh tế về các chỉ số phát triển chậm hơn cùng kỳ, nổi bật là tỷ giá, lạm phát, thị trường vàng... đại biểu kỳ vọng sớm có quyết sách nhằm ổn định tình hình.
Sau ngày đầu của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ cùng hàng loạt các nội dung quan trọng về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, đầu năm 2024 và công tác nhân sự.
Bên lề Quốc hội, một số đại biểu kỳ vọng vào những quyết sách mang tính đột phá của kỳ họp. Song, cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại về những khó khăn của nền kinh tế vĩ mô, về việc cần tính toán lộ trình cho những quyết sách dài hơi.
Chính phủ đang chỉ đạo sát và đúng hướng
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Nai), đánh giá kỳ họp Quốc hội giữa năm 2024 rất đặc biệt. Bởi 2024 có thể coi như là năm về đích của các chương trình lớn, các vấn đề về kinh tế vĩ mô, xã hội chờ đợi kỳ họp này có những phúc đáp.
“Tôi cho rằng những ý kiến, quyết sách của kỳ họp này tác động lớn đến công tác điều hành. Nhất là báo cáo sáng ngày 20/5 đã đặt ra rất nhiều nhiệm vụ điều hành vĩ mô. Theo báo cáo của Ủy ban kinh tế, năm 2024 tương đối vất vả, có chỉ số chậm hơn phát triển cùng kỳ, trong đó nổi bật là vấn đề về tỷ giá, lạm phát hay thị trường vàng rất cần biện pháp xử lý. Chúng ta không đưa ra được những khuyến cáo thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2024,” Đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Theo vị đại biểu của đoàn Đồng Nai, mặc dù thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, nhưng thời điểm này doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đời sống người dân. Vì thế mục tiêu lớn nhất của nền kinh tế vĩ mô từ giờ đến cuối năm là hoàn thành tăng trưởng; tiếp tục hỗ trợ cho khối doanh nghiệp.
Về nội dung liên quan đến chính sách tiền lương, ông Trịnh Xuân An cho rằng Nghị quyết của Đảng có rồi, chủ trương Quốc hội cho ý kiến rồi, nên giờ phải thiết kế làm sao để tiền lương đi vào thực chất, phản ánh đúng nguyện vọng, nhu cầu của người dân, khối công chức, doanh nghiệp…
“Khi tiếp xúc cử tri, chúng tôi thấy có hai vấn đề đặt ra, đó là cải cách thế nào để đảm bảo thu nhập đời sống và đúng mục tiêu đề ra là tiền lương không thấp hơn so với hiện nay. Vậy chúng ta cần phải làm rõ thu nhập hay tiền lương đang thấp hơn hay cao hơn và trên cơ sở nào? Tôi cho rằng Chính phủ đang có những giải pháp, tính toán hết sức cụ thể. Bởi tiền lương sẽ ảnh hưởng đến đời sống, ảnh hưởng đến thị trường, ảnh hưởng đến lạm phát… Do đó, tiền lương cần phải tương xứng với công sức lao động. Cải cách phải phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người lao động,” ông An nói.
Đặc biệt quan tâm đến câu chuyện về thị trường vàng, ông An cho rằng đây là một loại hình kinh doanh có điều kiện và vàng là một đối tượng đặc biệt. Theo ông An, không nên cổ súy việc biến vàng miếng thành hàng hóa và phải tính toán hết sức kỹ lưỡng, có tư duy quản lý bài bản hơn, mặc dù Chính phủ đang chỉ đạo sát và đúng hướng, đó là phải có tổng kết, đánh giá rất kỹ Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
“Tôi cho rằng việc đấu giá để giảm giá vàng xuống không phải giải pháp tốt, bởi đấu giá nhưng không giải quyết được câu chuyện về giá. Vậy thì thị trường vàng phụ thuộc vào cái gì? Theo đúng quy luật, thị trường phải có cung-cầu, có các yếu tố cấu thành nên giá mang tính phổ quát của quy luật thị trường. Nếu vàng là mặt hàng không được khuyến khích, hoặc quá phức tạp trong quản lý thì một là chúng ta để cho thị trường điều tiết, hai là nếu cần thiết có thể không khuyến khích hình thức kinh doanh sở hữu vàng miếng nữa. Tất nhiên chúng ta cần tính toán lộ trình,” ông An nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội này cho rằng Nhà nước không nên bỏ ngoại tệ để nhập vàng miếng về bình ổn giá như hiện nay. Bởi việc này liên quan tới kinh tế vĩ mô, liên quan tới tỉ giá, điều hành và gây xáo trộn. Vì thế cần xử lý bài bản, đồng bộ và triệt để vấn đề này.
Những kỳ vọng và tin tưởng dành cho tân Chủ tịch Quốc hội
Bên lề nghị trường, một số đại biểu nhận định vấn đề đang được cử tri, nhân dân cũng như các đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp này chính là công tác nhân sự. Làm sao để Quốc hội lựa chọn, kiện toàn chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước là Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội.
“Chúng ta vừa mới thông qua kết quả bầu Chủ tịch Quốc hội với số phiếu là 100% đại biểu có mặt tại hội trường tán thành. Điều này thể hiện ý chí, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với không chỉ các đồng chí lãnh đạo được bầu hôm nay mà còn là trách nhiệm ‘ý Đảng lòng dân’ trong việc chuẩn bị bầu ra những nhân sự quan trọng để điều hành đất nước,” Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nói.
Đại biểu Tạ Văn Hạ bày tỏ tin tưởng rằng với thực tiễn, kinh nghiệm công tác và năng lực điều hành, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy những thành tích, thành quả đổi mới của Quốc hội trong thời gian qua cũng như tiếp tục có những hoạt động, điều hành có nhiều đổi mới hơn nữa.
Ông Hạ kỳ vọng thời gian tới hoạt động của Quốc hội sẽ ngày càng đi vào thực chất, được cử tri và nhân dân tín nhiệm, tin yêu và đánh giá cao.
Cũng đặt nhiều kỳ vọng và tin tưởng dành cho tân Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng) bày tỏ cuộc bầu cử thành công với số phiếu tập trung cao và lời tuyên thệ của tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chính là động lực mới, niềm tin mới, niềm vui chung cho cử tri, nhân dân cả nước và cho các Đại biểu Quốc hội.
“Thời gian qua, chúng ta đã trải qua nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức, không chỉ đối với việc chung của đất nước trong bối cảnh thế giới biến động, mà với ngay cả Quốc hội. Do đó, việc kiện toàn tổ chức với tín nhiệm và niềm tin cao, cá nhân tôi hy vọng với năng lực và bề dày kinh nghiệm, với tuổi đời và đã kinh qua nhiều cương vị công tác khác nhau, tân Chủ tịch Trần Thanh Mẫn sẽ hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, cũng như niềm tin các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước gửi gắm,” ông Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh./.