Đặc sắc Nghệ thuật Trình diễn Dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu

Nghệ thuật Trình diễn Dân gian hát Soọng Cô - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia - là làn điệu dân ca đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu, được lưu giữ hàng trăm năm qua.

Các thành viên Câu lạc bộ hát Soọng Cô xã Bình Dân, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh tập hát. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Ngày 10/11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 3422/QÐ-BVHTTDL công bố "Nghệ thuật Trình diễn Dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu (Quảng Ninh)” là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Nghệ thuật Trình diễn Dân gian hát Soọng Cô là làn điệu dân ca đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu, được lưu giữ hàng trăm năm qua.

Theo tiếng Sán Dìu, Soọng có nghĩa là hát, còn Cô là ca. Soọng Cô được lưu truyền trong dân gian bằng hình thức truyền khẩu.

Truyền thuyết của người Sán Dìu kể rằng ở làng nọ có cô gái tên Lý Tam Mói rất thông minh, xinh đẹp và có tài hát đối mà chưa có ai thắng được. Có ba chàng trai tài giỏi tìm đến mà cũng không đối đáp được, đành ra đi, để lại trong cô gái mối âu sầu, nuối tiếc vì không mời họ vào làng. Thế nên ngày ngày, cô gái cất tiếng hát da diết, khắc khoải, lâu dần trở thành giai điệu Soọng Cô.

Lời hát gồm những khổ thơ thất ngôn, tứ tuyệt, mỗi khổ có 4 câu, mỗi câu có 7 chữ. Nội dung của Soọng Cô rất phong phú, có thể về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, ca ngợi lao động sản xuất, ướm hỏi tỏ tình... Tất cả dùng những ca từ mộc mạc, giản dị, từ tượng hình, tượng thanh để gửi gắm lòng mình trong đó.

Soọng Cô bắt nguồn từ cuộc sống bình dị, chất phác, nói lên tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân lao động.

Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ hát Soọng Cô. (Nguồn: TTXVN)

Điều đặc biệt của làn điệu Soọng Cô chính là ở âm vực khi hát không quá lớn, nhịp điệu đều đều với độ trầm bổng không cao. Nét riêng trong hát Soọng Cô là không hát giao duyên với người cùng họ, cùng làng bản nên không gian diễn xướng của Soọng Cô ngày càng được mở rộng hơn.

Theo Cục Di sản Văn hóa, người Sán Dìu ít hát Soọng Cô trong lao động sản xuất mà chủ yếu hát vào lúc nông nhàn, giao lưu nam nữ giữa các làng. Họ thường hát khi quây quần bên bếp lửa vì họ quan niệm, hát bên bếp lửa sẽ được thần bếp (Chạo Am) phù trợ cho gia đình làm ăn may mắn, mùa màng bội thu.

Chủ đề các bài Soọng Cô gắn với các sinh hoạt hằng ngày: hát khi có khách đến nhà: khi có bạn ở làng khác đến chơi, trai gái thường bộc bạch tình cảm của mình qua câu hát và để sẵn trầu cau đợi bạn hát đến cùng ăn; hát chúc xóm làng: khi có khách đến, mọi người trong làng cùng tụ họp ngay từ khi thức dậy, quây quần bên bếp để thăm hỏi nhau và cùng hát; hát làm quen: khách đến phải dừng lại trước cửa bếp, hát một số bài xin chỗ ngồi, rồi mới được chủ nhà trải chiếu, mời ngồi bên trái của bếp lửa, chủ nhà ngồi bên phải và hát đối đáp để làm quen.

Người Sán Dìu hát Soọng Cô để giao duyên: nam nữ hát đối đáp những bài thổ lộ tâm tư, tình cảm của mình, xen vào những câu hỏi tên, tuổi, anh em họ mạc, quê hương bản quán, thăm hỏi sức khỏe. Khi đã quen hơn, họ hát về ngày sum họp, mong muốn được sống chung làng, cùng gắn bó trong lao động, xây dựng gia đình đầm ấm, quê hương giàu đẹp.

Một buổi giao lưu hát Soọng Cô. (Nguồn: TTXVN)

Soọng Cô cũng được hát khi tiễn khách, cả chủ và khách hát bày tỏ sự lo lắng những lời đã nói, đã hát chưa đủ làm bạn hiểu lòng mình, nên lưu luyến, bịn rịn như muốn được hát thêm cùng nhau.

Soọng Cô còn có những bài hát đề cao cuộc sống lao động, sản xuất như Soọng Cô tam xíu lu (hát bên giếng làng) hoặc Soọng Cô cao shan cón xúi (hát trên thác nước, đắp mương)... Soọng Cô đề cao người cần cù lao động cấy trồng bao nhiêu, thì cũng chê cười những kẻ lười biếng bấy nhiêu.

Theo Bảo tàng Quảng Ninh, tỉnh có 20.669 người Sán Dìu. Người Sán Dìu đứng thứ 3 trong 5 dân tộc thiểu số có số lượng lớn của tỉnh, chiếm 1,57% dân số toàn tỉnh.

Trước năm 1945, hát Soọng Cô phát triển mạnh mẽ. Từ năm 1946-1986, phong trào hát Soọng Cô bị mai một do đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ thập niên 90 của thế kỷ 20 trở lại đây, phong trào hát Soọng Cô được người dân Sán Dìu phục hồi.

Giờ đây, hát Soọng Cô hiện hữu trong đời sống thường nhật của mỗi gia đình, cộng đồng người Sán Dìu ở Quảng Ninh./.