Đặc phái viên về Khí hậu của Tổng thống Mỹ thăm Thụy Sĩ, Scotland, Anh
Đặc phái viên Mỹ sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại toàn cầu Scotland, tập trung vào các yêu cầu cấp bách để đối phó thành công với khủng hoảng khí hậu và chuẩn bị cho COP28.
Ngày 21/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Khí hậu John Kerry sẽ thăm Thụy Sĩ, Scotland và Anh để thảo luận công tác chuẩn bị cho Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28 (COP28) tổ chức tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), từ ngày 30/11-12/12 tới, cũng như các giải pháp về khí hậu và đổi mới.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Ông Kerry sẽ công du từ ngày 21-25/8 tới Geneva (Thụy Sĩ), Edinburgh (Scotland) và London (Anh) để tổ chức các cuộc họp nhằm thúc đẩy các mục tiêu liên quan đến COP 28, các giải pháp khí hậu, đổi mới và các sáng kiến của khu vực tư nhân, bao gồm cả Liên minh Những người tiên phong."
Theo thông cáo, Đặc phái viên Mỹ sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại toàn cầu Scotland, tập trung vào các yêu cầu cấp bách để đối phó thành công với khủng hoảng khí hậu và chuẩn bị cho COP28.
Trước đó, ngày 28/7, Chủ tịch COP28, ông Sultan Al Jaber, đã kêu gọi Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu.
Lưu ý rằng các nền kinh tế G20 chiếm tới 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, ông Al Jaber cho biết các quyết định của nhóm có thể có ảnh hưởng lớn đến kết quả nói chung. Vì vậy, ông kêu gọi các quốc gia G20 thúc đẩy hành động để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
[UAE nâng mục tiêu hạn chế khí thải trước thềm Hội nghị COP28]
Chủ tịch COP28 cũng kêu gọi các nước đoàn kết và hợp tác nhằm tăng quy mô sử dụng năng lượng tái tạo, khử carbon toàn diện hệ thống năng lượng và xây dựng một hệ thống không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được tiến bộ về khả năng thích ứng, một phần quan trọng của Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu, nhắc lại sự cần thiết phải chú trọng tới các khoản chi hỗ trợ cho việc thích ứng, vốn hiện chỉ chiếm khoảng 10% trong số tiền được phân bổ cho các chương trình làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu.
Theo ban tổ chức, tại cuộc họp kéo dài 3 ngày, các nước lớn trong G20 đã không thống nhất được các mục tiêu cụ thể để giảm thiểu khí thải, với các tranh cãi kéo dài về ngân sách carbon, lượng khí thải, các mục tiêu ròng bằng 0 và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển.
Cuộc gặp từng được coi là cơ hội để G20 có những bước đi thực chất trước thềm Hội nghị COP28 tại UAE vào tháng 11 tới./.