Đã xuất cấp 107.327 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương
Theo thống kê, tính đến ngày 26/12, Tổng cục đã giao các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện xuất cấp 107.327 tấn gạo để hỗ trợ cho các địa phương với trị giá khoảng 1.287 tỷ đồng.
Ngày 26/12, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã tổ chức họp báo chuyên đề về công tác xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, thực hiện dự án trồng rừng, hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong năm 2022.
Theo thống kê, đối với mặt hàng lương thực, tính đến ngày 26/12, Tổng cục đã giao các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện xuất cấp 107.327 tấn gạo để hỗ trợ cho các địa phương với trị giá khoảng 1.287 tỷ đồng.
Cụ thể, hỗ trợ cứu đói dịp Tết Nguyên đán năm 2022 là 13.959 tấn gạo cho 16 tỉnh; hỗ trợ cứu đói giáp hạt đầu năm 2022 là 10.370 tấn gạo cho 17 tỉnh; hỗ trợ dịch COVID-19 đầu năm 1.869 tấn gạo cho 3 tỉnh; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai do ảnh hưởng mưa lũ, hạn hán mất mùa là 4.171 tấn gạo cho 4 tỉnh; hỗ trợ học sinh là 67.223 tấn gạo cho 42 tỉnh, thành phố; gồm: học kỳ II năm học 2021-2022 là 29.664 tấn gạo; học sinh học kỳ I năm học 2022-2023 là 37.559 tấn gạo (tiến độ xuất gạo học kỳ I đến ngày 26-12-2022 là 35.856/37.559 tấn; số gạo còn lại xuất cấp đến 31-12-2022).
Cùng với đó, đối với xuất cấp vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, ngành dự trữ nhà nước đã xuất cấp 30 bộ xuồng; 1.220 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; 159.730 chiếc phao cứu sinh các loại; 147 bộ thiết bị chữa cháy đồng bộ (Máy bơm nước chữa cháy); 43 bộ máy phát điện các loại; 23 bộ thiết bị khoan cắt; 10 bộ thiết bị tìm kiếm nạn nhân bằng hình ảnh và âm thanh. Tổng trị giá các mặt hàng này khoảng 148 tỷ đồng.
[Xuất cấp hơn 253.000 tấn gạo dự trữ quốc gia, lớn nhất nhiều năm qua]
Ông Phạm Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chỉ đạo, quán triệt các đơn vị được giao xuất cấp hàng dự trữ quốc gia chủ động liên hệ, báo cáo Ủy ban nhân dân các tỉnh để sớm có kế hoạch phân bổ, tiếp nhận hàng dự trữ đến các đối tượng thụ hưởng; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của địa phương để tổ chức triển khai nhiệm vụ xuất kho, vận chuyển, giao nhận hàng kịp thời; đồng thời thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi xuất kho; chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa, phương tiện, nhân lực bốc xếp, vận chuyển... nhằm bảo đảm xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của Ủy ban nhân dân các tỉnh.
Liên quan đến xuất cấp gạo dịp Tết Nguyên đán năm 2023, ông Phạm Việt Hà cho biết, đến nay, 14 tỉnh có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp cho các địa phương này với tổng số gạo 15.400 tấn. Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chỉ đạo các Cục Dự trữ khu vực chuẩn bị các phương án để khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cấp xuất gạo dự trữ cho các địa phương, hàng dự trữ đến được người dân sớm nhất.
Ông Phạm Việt Hà cho biết, việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các địa phương tại mỗi thời điểm mang ý nghĩa khác nhau. Đối với những năm gần đây, việc hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia (lương thực, các mặt hàng vật tư thiết bị) cho các địa phương hết sức cấp thiết, mang ý nghĩa lớn lao, thể hiện tinh thần "tương thân tương ái" đoàn kết, chia sẻ của Chính phủ đối với người dân các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo ông Phạm Việt Hà, việc sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các địa phương để kịp thời ứng phó với các tình huống cấp thiết về dịch bệnh, thiên tai là một trong những nguồn lực, chính sách được dư luận quần chúng nhân dân, xã hội nhiệt liệt ủng hộ. Đồng thời cũng là một trong những công cụ điều hành, giải quyết các tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra mang lại giá trị, hiệu quả cao của Chính phủ.
Điều đó thể hiện vai trò của dự trữ quốc gia ngày một lớn lao, từ đó không những giúp các địa phương bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn mà còn trực tiếp động viên, khuyến khích người dân vùng bị dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, mất mùa sớm ổn định cuộc sống, sản xuất và phục vụ tốt công tác quốc phòng, an ninh trên địa bàn một số địa phương, đặc biệt là đối với các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và vùng biên giới.
Về đấu thầu, đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, hiện nay, đấu thầu các mặt hàng dự trữ quốc gia được chia làm 2 chủ đầu tư; trong đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ là chủ thầu mua sắm vật tư, thiết bị; các cục Dự trữ Nhà nước khu vực sẽ là chủ thầu mua sắm lương thực.
Hàng dự trữ quốc gia đều có tiêu chuẩn, quy trình nhập kho, do đó, ngoài cán bộ công chức của ngành dự trữ nhà nước còn có cơ quan trung gian chuyên môn để đảm bảo chất lượng, số lượng hàng hóa, việc này được tiến hành công khai, minh bạch, đồng bộ về tiêu chuẩn.
Theo bà Nguyễn Thị Phố Giang, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, các hoạt động mua bán hàng dự trữ quốc gia đều thực hiện đúng theo Luật Đấu thầu và các quy định liên quan, ngành dự trữ nhà nước cũng bám sát tình hình dịch bệnh, thiên tai để chủ động tham mưu cũng như triển khai một cách chủ động nhất.
Các tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu phải đảm bảo đúng theo pháp luật, những nhà thầu không thực hiện đúng cam kết, vi phạm quy định đấu thầu sẽ bị cấm tham gia đấu thầu trong 3 năm, về phía Tổng cục Dự trữ Nhà nước, nếu các nhà thầu vi phạm thì sẽ có những chế tài xử lý kịp thời./.