Đà Nẵng siết chặt công tác quản lý đất đai trên địa bàn
Chỉ thị mới được Đà Nẵng ban hành nhằm thực hiện nghiêm luật đất đai, tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam đã ký Chỉ thị số 06 về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Chỉ thị được ban hành nhằm thực hiện nghiêm minh pháp luật đất đai, tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất.
Theo Chỉ thị, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý đất đai của Đà Nẵng vẫn còn tồn tại những hạn chế: Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa triệt để, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu chia sẻ thông tin giữa Trung ương và địa phương nên còn tình trạng chuyển đơn, hướng dẫn lòng vòng, gây mất thời gian, bức xúc cho người dân; công tác thanh, kiểm tra chưa chặt chẽ; công tác tham mưu, xây dựng, ban hành chính sách pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập.
Đồng thời, thành phố vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép tại một số nơi trên địa bàn; pháp luật về đất đai và các chuyên ngành khác còn chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Chỉ thị đã nêu ra 4 nhiệm vụ chung, trong đó các sở ngành, địa phương cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai 2024 đến toàn thể nhân dân, cán bộ, công chức và người lao động.
Thành phố tập trung triển khai thực hiện đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố" của Chính phủ theo ý kiến chỉ đạo của Trung ương tại Kết luận số 77-KL/TW ngày 2/5/2024 của Bộ Chính trị để khơi thông nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả lợi thế và tiềm năng về đất đai.
Riêng đối với các dự án, công trình sự nghiệp, các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất thì khẩn trương thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, kê khai và đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu chấp hành pháp luật về đất đai.
Thành phố Đà Nẵng giao nhiệm vụ cho các địa phương, yêu cầu tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Trong đó, chú trọng quản lý việc chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt với diện tích đất chuyển mục đích sử dụng lớn bất thường, nhằm lợi dụng chính sách để trục lợi.
Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu thực hiện kiểm tra, rà soát thống kê đầy đủ 100% và đánh giá lại tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất công ích (đất 5%) của các địa phương.
Các địa phương, sở ngành kiên quyết xử lý đối với trường hợp cho thuê đất vi phạm quy định của pháp luật như: Cho thuê, cho mượn trái phép, sử dụng không đúng đối tượng, không đúng mục đích, không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không thiết lập đầy đủ thủ tục, hồ sơ thuê đất theo quy định...truy thu các nghĩa vụ tài chính để tránh gây thất thoát.
Trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng), hiện Trung tâm đang quản lý 349 khu đất lớn, 20.402 lô đất tái định cư. Qua rà soát, hiện có 141 khu đất lớn, 2.954 lô đất ở chia lô đang bị các cá nhân, tổ chức lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Thời gian tới, Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ tiếp tục phối hợp với các phường, xã kiểm tra thực tế các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép và tình trạng xả thải các loại rác thải sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng./.