Đà Nẵng: Du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chỉ số IIP có xu hướng tăng
Với việc tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm quảng bá, kích cầu, ngành du lịch thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; trong khi lĩnh vực sản xuất cũng có những tín hiệu khả quan hơn.
Bước sang quý 2 năm 2024, kinh tế thành phố Đà Nẵng có những chuyển biến tích cực.
Với việc tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm quảng bá, kích cầu, ngành du lịch thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất cũng có những tín hiệu khả quan hơn.
Du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ
Trong tháng 5, thành phố liên tục tổ chức tổ chức các hoạt động sự kiện; công tác triển khai phát triển các sản phẩm du lịch được quan tâm thực hiện; công tác truyền thông, xúc tiến du lịch đã và đang tích cực thực hiện với chương trình thu hút khách du lịch MICE nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng; triển khai kế hoạch phát triển du lịch cưới giai đoạn 2024-2025; các chặng bay quốc tế được mở mới và khôi phục lại.
Nhờ đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong tháng 5 ước đạt 2.296 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 10.503 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượt khách phục vụ tại các cơ sở lưu trú trong tháng 5 ước đạt 789.500 lượt, giảm 7,3% so với tháng trước và tăng 10,5% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Tính chung 5 tháng, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 3,8 triệu lượt, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 1,5 triệu lượt; khách trong nước đạt gần 2,3 triệu lượt.
Lượt khách ngủ qua đêm 5 tháng đầu năm ước đạt gần 2,6 triệu lượt, tăng 10,4%, trong đó khách quốc tế ngủ qua đêm ước đạt hơn 1,4 triệu lượt, tăng 25,1%; lượt khách nghỉ trong ngày ước đạt gần 1,2 triệu lượt tăng 63%, trong đó khách quốc tế nghỉ trong ngày ước đạt 82.000 lượt, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng lưu ý, lượt khách nghỉ trong ngày tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước do khách đoàn, khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại các khu vui chơi giải trí tăng. Để đảm bảo sức khỏe, khách thường đăng ký nghỉ ngơi vài giờ ở các cơ sở phục vụ lưu trú. Ngoài ra, còn do số lượng khách địa phương nghỉ trong ngày tại các cơ sở lưu trú cá thể như nhà nghỉ, nhà trọ cũng tăng đáng kể.
Trong tháng 5, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 594,7 tỷ đồng, giảm 2,6% so với tháng trước và tăng gần 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh thu ước đạt 2.534 tỷ đồng tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm 2023.
Số lượt khách du lịch theo tour do cơ sở lữ hành phục vụ trong tháng 5 ước đạt 119.800 lượt, giảm 3,7% so với tháng trước và giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số lượng khách quốc tế theo tour đến Đà Nẵng tháng 5 ước đạt 45.000 lượt người, tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, lượt khách du lịch theo tour ước đạt 501.800 lượt, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế tăng 58,4%; khách trong nước giảm 9,8% và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2023.
Chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 của Đà Nẵng có xu hướng tăng trưởng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023. Một số doanh nghiệp ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trong thời gian đến đã góp phần thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn, đây cũng là một trong những tín hiệu khả quan giúp ngành công nghiệp khôi phục lại năng lực sản xuất sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế thế giới.
Một số ngành hàng tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 như sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất phương tiện vận tải khác; sản xuất đồ uống; dệt; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế...
Ước tính 5 tháng đầu năm, chỉ số IIP tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có đến 3/4 nhóm ngành cấp 1 có mức tăng trưởng dương, gồm sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; riêng hoạt động khai khoáng tiếp tục đà giảm so với cùng kỳ năm 2023.
Với vai trò dẫn dắt sự tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, một số ngành trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng khá ấn tượng phải kể đến như dệt; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất đồ uống; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế...
Ở chiều ngược lại, vẫn còn nhiều ngành chưa thể phục hồi, điển hình như sản xuất da và các sản phẩm có liên quan khác; sản xuất phương tiện vận tải khác; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu;...
Cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án trong nước
Trong thời gian qua, vấn đề giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư hay khan hiếm nguồn vật liệu san lấp... vẫn là một trong những khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến công tác triển khai các dự án.
Từ ngày 15/4 đến 15/5, không phát sinh dự án đầu tư đăng ký mới. Cộng dồn từ ngày 1/1 đến ngày 15/5, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới đạt 8.415 tỷ đồng, giảm 1 dự án nhưng vốn đăng ký mới gấp 4,1 lần cùng kỳ năm 2023.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ ngày 15/4 đến ngày 15/5, thành phố thu hút được 354.000 USD vốn đăng ký mới và tăng thêm (cùng kỳ năm 2023 đạt 2,783 triệu USD).
Cộng dồn từ ngày 1/1 đến ngày 15/5, thành phố thu hút được 21,946 triệu USD, trong đó có 27 dự án cấp mới với vốn đăng ký cấp mới đạt 22,789 triệu USD; có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn điều chỉnh giảm hơn 1 triệu USD./.