Đà Nẵng đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm phát triển KT-XH trong những tháng cuối năm
Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và môi trường kinh doanh; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; triển khai các chương trình kích cầu thu hút khách dịp cuối năm...
Tiếp đà tăng trưởng tích cực của quý 2, kinh tế quý 3 của Đà Nẵng có nhiều điểm sáng và đạt được nhiều kết quả khả quan; một số ngành duy trì mức tăng cao đã đóng góp đáng kể vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế thành phố, đây là tín hiệu tốt giúp kinh tế thành phố tiến gần hơn đến mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 3 ước tăng 8,59% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng 2,49% của quý I và 8,09% của quý 2.
Hoạt động sản xuất công nghiệp có bước chuyển mạnh mẽ khi tăng trưởng cả khu vực ước đạt 5,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 4,31%; ngành xây dựng tăng 7,19%.
Trong 9 tháng qua, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 23.814 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực nhà nước đạt 6.892 tỷ đồng, tăng 7,8%; vốn ngoài nhà nước đạt 14.937 tỷ đồng, tăng 11,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.985 tỷ đồng, giảm 18,0% so với cùng kỳ năm 2023.
Khu vực thương mại và dịch vụ của thành phố Đà Nẵng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Trong đó hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ, là điểm sáng trong phát triển kinh tế của thành phố. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 8,7 triệu lượt, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế đạt 3,2 triệu lượt, tăng 30,6%; khách trong nước đạt 5,5 triệu lượt, tăng 34,9% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng năm 2024, tình hình lao động việc làm có nhiều chuyển biến tích cực, thành phố đã có các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động.
Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong quý 3, nhưng những tháng cuối năm 2024 cũng đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế-xã hội Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, khi phải đối mặt với hàng loạt biến động lớn từ bên ngoài và những khó khăn nội tại trong nước.
Áp lực từ tình trạng lạm phát gia tăng, sự thay đổi của các chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động từ thị trường quốc tế cũng đang tạo ra nhiều sức ép cho kinh tế-xã hội của cả nước và từng địa phương.
Để đảm bảo sự ổn định và duy trì đà phát triển kinh tế-xã hội, thành phố Đà Nẵng cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm dưới đây.
Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và môi trường kinh doanh. Việc cải cách hành chính cần được thực hiện một cách mạnh mẽ hơn, tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan và đất đai; cần có các biện pháp quyết liệt để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ hai là tiếp tục thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc phát triển nguồn nhân lực cần được xem là một chiến lược dài hạn. Thành phố cần đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình đào tạo kỹ năng cao, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cần có chính sách hỗ trợ việc làm, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ, để đảm bảo rằng người lao động có cơ hội tiếp cận với các công việc có thu nhập tốt và ổn định nhằm giữ chân nhân tài.
Tiếp tục thúc đẩy cải cách trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng nhằm hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế. Cần có các biện pháp để tăng cường khả năng tiếp cận vốn vay cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cải thiện tính minh bạch và ổn định của hệ thống ngân hàng, đảm bảo rằng các ngân hàng hoạt động an toàn và hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thành lập và hoạt động. Tiếp tục cải thiện, nâng cao Chỉ số Tiếp cận đất đai thuộc Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính; duy trì thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tập trung triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền nội dung liên quan Luật Đất đai (mới) theo quy định.
Thứ năm là triển khai hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm Đà Nẵng gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," thông qua việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, phát động các chương trình khuyến mãi, các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá, giới thiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường trong các dịp lễ, Tết...
Triển khai các sự kiện, lễ hội đa dạng sản phẩm du lịch; tiếp tục xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng; triển khai các chương trình kích cầu thu hút khách dịp cuối năm; tiếp tục hỗ trợ các khu điểm du lịch làm mới các sản phẩm, tổ chức hoạt động, dịch vụ vui chơi, giải trí tại Sun World Bà Nà Hills; Da Nang Downtown; Mikazuki; Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài...
Đà Nẵng tiếp tục cải thiện chất lượng các dịch vụ công, từ y tế, giáo dục, đến an ninh và trật tự xã hội, đảm bảo rằng người dân được hưởng thụ các dịch vụ công với chất lượng tốt hơn. Áp dụng các công nghệ tiên tiến, tăng cường năng lực cán bộ công chức và giảm thiểu tình trạng quan liêu, sách nhiễu.
Tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập phục hồi nhanh kinh tế-xã hội, triển khai có hiệu quả chương trình “có việc làm," đạt mục tiêu giải quyết việc làm cho 35.000 lao động trong năm 2024.
Thành phố tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi; công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tàu cá hoạt động trên biển; tập trung triển khai thực hiện Phương án Phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2024.
Đà Nẵng tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh truyền nhiễm kịp thời; đảm bảo công tác thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, đào tạo. Thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông và trật tự xã hội./.