Đà Nẵng dành 80ha “đất vàng” và 14 chính sách mới thu hút nhà đầu tư

Đến nay, Đà Nẵng đã có những bước chuẩn bị cụ thể về cơ sở hạ tầng, quỹ đất, nhân lực và chính sách đồng thời đang tích cực kêu gọi sự hỗ trợ từ Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng chia sẻ về chiến lược phát triển thành phố thành trung tâm tài chính và công nghệ của khu vực. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 3/12, tại hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam (Vietnam Tech Impact Summit 2024-VTIS 2024), ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chia sẻ chiến lược phát triển thành phố thành trung tâm tài chính và công nghệ của khu vực.

Cụ thể, ông Minh nhấn mạnh vào sự đầu tư mạnh mẽ đối với cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, các chính sách hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư và nhân lực chất lượng cao.

Theo ông Minh, Đà Nẵng là một đô thị trẻ, năng động với dân số 1,3 triệu người và tỷ lệ đô thị hóa gần 90%. Thành phố có lợi thế về vị trí địa lý tại khu vực miền Trung, là cửa ngõ quan trọng trên Hành lang Kinh tế Đông Tây. Thành phố cũng sở hữu kết nối hệ thống giao thông thuận lợi qua đường bộ, đường biển và đường hàng không.

“Đà Nẵng đã xác định sẽ tập trung phát triển trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của miền Trung và là thành phố cảng chiến lược, cửa ngõ ra biển quan trọng,” ông Minh cho biết.

Hiện, Đà Nẵng đang tập trung phát triển các lĩnh vực trụ cột như du lịch, logistics và công nghệ thông tin. Đặc biệt, thành phố đang đẩy mạnh phát triển hai lĩnh vực mới, là bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và trung tâm tài chính. Đến nay, thành phố đã có những bước chuẩn bị cụ thể về cơ sở hạ tầng, quỹ đất, nhân lực và chính sách đồng thời đang tích cực kêu gọi sự hỗ trợ từ Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Các đội thuyền đua nam tranh tài quyết liệt trên sông Hàn. (Ảnh: Trần Lê Lâm /Vietnam+)

Về bán dẫn và AI, ông Minh chia sẻ Đà Nẵng đã đầu tư 1.400 tỷ đồng xây dựng Khu Công viên Phần mềm số 2, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu công nghệ thông tin tập trung. Hiện, thành phố cũng đang tích cực xây dựng liên minh đào tạo nhân lực chất lượng cao và ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù.

Đối với trung tâm tài chính, Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển từ năm 2020. Gần đây, Bộ Chính trị đã đồng ý cho phép xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, ông Minh cho hay kế hoạch phát triển trung tâm tài chính của thành phố có ba nhóm dịch vụ chính. Trong đó, dịch vụ tài chính quốc tế tập trung vào thanh toán quốc tế, thương mại quốc tế, ngoại hối và tài chính xanh. Đặc biệt, lãnh đạo của Đà Nẵng nhấn mạnh việc gắn kết trung tâm tài chính với Khu Thương mại Tự do Đà Nẵng, đây khu vực đầu tiên tại Việt Nam được Quốc hội cho phép thành lập.

Bên cạnh đó, dịch vụ Fintech sẽ hướng tới các dịch vụ tài chính mới như cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng cho thanh toán và giao dịch tài sản mã hóa. Theo ông Minh, Đà Nẵng mong muốn phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo dựa trên AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và blockchain. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ các startup và công ty Fintech mới. Cuối cùng là dịch vụ hỗ trợ kiểm toán, kế toán, pháp lý, tư vấn hải quan, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình đầu tư vào trung tâm tài chính.

Hiện, ông Minh chia sẻ Đà Nẵng đã chuẩn bị quỹ đất sạch cho dự án, bao gồm các lô đất sát bờ biển Sơn Trà với diện tích khoảng 6 ha và khu đất khoảng 9,7 ha cạnh Khu Công viên Phần mềm số 2 đồng thời dự trữ thêm 63 ha để mở rộng trong 10 năm tiếp theo.

"Đà Nẵng đã trình 14 chính sách lên Chính phủ và Bộ Chính trị, trong đó 8 chính sách có thể áp dụng ngay và 6 chính sách phù hợp thông lệ quốc tế đang trong lộ trình triển khai. Đà Nẵng cũng sẽ kết hợp Nghị quyết 136 (về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng) với việc phát triển trung tâm tài chính, đặc biệt là cơ chế Sandbox trong lĩnh vực công nghệ,” ông Minh nói./.