Đa dạng hoạt động phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ở Bảo tàng Quảng Ninh
Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức triển lãm lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y; hỗ trợ huyện Vân Đồn phục dựng lễ hội Đại phan của người Sán Dìu.
Quảng Ninh có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú như một vùng trầm tích, đang ngày càng được đánh thức và khai thác giá trị.
Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 362 di sản văn hóa phi vật thể thuộc 7 loại hình, gồm 76 lễ hội dân gian truyền thống, 25 di sản nghề thủ công truyền thống, 22 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 14 di sản ngữ văn dân gian, 168 di sản tập quán xã hội, 7 di sản tiếng nói chữ viết, 50 di sản tri thức dân gian.
Đặc biệt, 76 lễ hội lớn, nhỏ diễn ra hằng năm, trong đó có những lễ hội lớn diễn ra trong nhiều ngày, lại có những lễ hội mang tính hội vùng thu hút du khách.
Nhằm đánh thức tiềm năng giá trị các di sản văn hoá phi vật thể, tại Bảo tàng Quảng Ninh, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đang được tích cực khai thác.
Đầu năm 2024, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức triển lãm lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y. Tại không gian triển lãm, loại hình lễ hội này đã được tinh lọc, rút gọn và sân khấu hóa để biểu diễn phục vụ công chúng và du khách.
Điều đó mở ra một hướng đi mới cho đơn vị trong việc đưa các diễn xướng dân gian Quảng Ninh vào phục vụ khách tham quan.
Trước đó, từ quý 4/2023, thành phố Uông Bí đã quyết định đầu tư xây dựng Không gian bảo tồn và phát huy di sản văn hóa người Dao Thanh Y với tổng kinh phí đầu tư là 800 triệu đồng.
Bảo tàng Quảng Ninh đã được thành phố Uông Bí lựa chọn để phối hợp, tư vấn, thi công xây dựng công trình này. Tại đây có không gian trưng bày thể hiện những tri thức dân gian về nghề truyền thống may thêu trang phục dân tộc Dao Thanh Y, không gian giới thiệu chung lễ hội, tri thức dân gian về xây nhà trình tường của người Dao Thanh Y; tập quán sinh hoạt, văn hóa của người Dao Thanh Y, ẩm thực dân gian, tri thức dân gian về chữa bệnh bằng thảo dược.
Ngoài lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y vừa kể trên, về lĩnh vực lễ hội dân gian, Bảo tàng Quảng Ninh còn hỗ trợ huyện Vân Đồn phục dựng lễ hội Đại phan của người Sán Dìu tại xã Bình Dân, phục dựng loại hình diễn xướng dân gian hát soọng cô và tập quán cưới xin đón dâu của đồng bào Sán Dìu.
Cán bộ, nhân viên Bảo tàng Quảng Ninh đồng thời là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh đã có nhiều công trình sách, báo về không gian văn hóa Yên Tử, về lễ hội cửa đình và điệu hát nhà tơ ở Đầm Hà, hát soóng cọ của người Sán Chỉ.
Những kết quả sưu tầm, khảo cứu này có thể đưa về Bảo tàng Quảng Ninh để trình diễn phục vụ du khách.
Ở Quảng Ninh hiện nay có nhiều loại hình dân ca tiêu biểu, như Hát chèo đường, hát đám cưới trên Vịnh Hạ Long; hát đúm ở Quảng Yên; hát chèo ở Đông Triều, hát nhà tơ - hát, múa cửa đình ở Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn; hát soọng cô, soóng cọ, sán cố, hát then, hát pả dung ở Hạ Long, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu...
Để lưu giữ, thực hành và truyền dạy nhiều làn điệu ca dao, dân ca đã có sự tham gia của hàng trăm Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân. Các nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng vào cuộc.
Từ năm 2014, Đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh và Đoàn Nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh (nay là Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh) đã xây dựng gói sản phẩm biểu diễn nghệ thuật dân tộc lấy tên là “Hoa muôn sắc” để phục vụ du lịch.
Những nghiên cứu, thể nghiệm nói trên đã chỉ ra rằng một số loại hình diễn xướng ca dao, dân ca có sức sống mãnh liệt và là nguồn tài nguyên vô tận để phát triển du lịch bền vững. Bảo tàng Quảng Ninh có kế hoạch mời các nghệ sỹ, nghệ nhân này đến những không gian trưng bày với các hiện vật liên quan để biểu diễn phục vụ du khách.
Trong thời gian tới, Bảo tàng Quảng Ninh sẽ tiếp tục hoàn thiện lý lịch 4 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, trong đó hoàn thành việc ghi hình làm phim tư liệu đối với 3 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể như Hát đối - Hát giao duyên vùng biển Quảng Ninh, lễ cầu mùa và trang phục của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh./.