Đã có 14,6 triệu công dân tích hợp Sổ sức khỏe điện tử qua VNeID

Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, 100% cơ sở y tế và 40 triệu lượt người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử; sau năm 2025, mỗi người dân đều sở hữu một Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.

Người dân đăng ký, sử dụng ứng dụng VNEID. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 487/TB-VPCP ngày 24/10/2024 kết luận Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc.

Theo thông báo kết luận, 32,1 triệu Sổ sức khỏe cho người dân đã được tạo lập, trong đó 14,6 triệu công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử qua VNeID.

Trong hơn 4 tháng triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Hà Nội và Thừa Thiên-Huế, đã tiếp nhận hơn 50.000 hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của 2 địa phương.

Việc triển khai thí điểm 2 ứng dụng nêu trên thể hiện 3 phù hợp (phù hợp chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về Chuyển đổi Số Quốc gia, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể; phù hợp lợi ích, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp; phù hợp với điều kiện thực tiễn) và mang lại 3 lợi ích lớn: cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho người dân trong các hoạt động kinh tế, xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; khẳng định một cách mạnh mẽ về những thành quả của chuyển đổi số mang lại; tiếp tục khẳng định cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về đẩy mạnh chuyển đổi số và tiếp thêm niềm tin, động lực cho những thành công trong hoạt động chuyển đổi số thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả trên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: dữ liệu chưa thực sự "đúng, đủ, sạch, sống"; tính liên thông, chia sẻ, đồng bộ hiệu quả chưa cao; ứng dụng VNeID có lúc vận hành chưa ổn định; các hệ thống vận hành chưa được thông suốt, còn nhiều bất cập giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương, ứng dụng VNeID và các phần mềm nghiệp vụ; việc phát triển các tiện ích trên nền tảng VNeID còn chậm; việc phổ cập vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là là vùng sâu, vùng xa...

Người dân, doanh nghiệp phải được hưởng lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số mang lại

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số yêu cầu yêu cầu các bộ, các ngành, các địa phương tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" để kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá, hoạch định, xây dựng chính sách; xác định mục tiêu, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp dựa trên cơ sở dữ liệu.

Hạ tầng phải thông suốt, quản trị và nhân lực phải thông minh, tất cả vì sự chăm lo đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và tạo sự thuận lợi của người dân trong các giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước. Tránh đầu tư lãng phí, dàn trải, manh mún, kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Người dân, doanh nghiệp phải được hưởng lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số mang lại.

Đến năm 2025, 100% người dân có nhu cầu có thể đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID

Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 100% cơ sở y tế (bao gồm cả công lập và tư nhân) và có 40 triệu lượt người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử.

Sau năm 2025, mỗi người dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ Bảo hiểm y tế đều sở hữu một Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID và 30% người dân khi đi khám chữa bệnh có bệnh án điện tử.

Cán bộ công an hướng dẫn người dân thao tác xin cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Đến năm 2025, 100% người dân có nhu cầu có thể đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID.

Tập trung thực hiện "5 đẩy mạnh," "5 bảo đảm"

Để thực hiện chuyển đổi số quốc gia nói chung, việc triển khai 2 tiện ích (Sổ sức khỏe điện tử, Phiếu lý lịch tư pháp) và các tiện ích khác trên VNeID nói riêng một cách hiệu quả, thực chất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện "5 đẩy mạnh": đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ về cả tư duy và hành động; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số; nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tránh tiêu cực, tránh cơ chế "xin-cho"; đẩy mạnh phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo hướng tăng cường kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu; đẩy mạnh triển khai các tiện ích trên nền tảng VNeID để người dân, doanh nghiệp sử dụng và hưởng thụ thật; đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu bấm nút khai trương Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID ngày 2/10/2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXXVN)

Việc thực hiện cần gắn với "5 bảo đảm": bảo đảm sự tham gia đồng bộ của tất cả các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai; bảo đảm hạ tầng số, nền tảng số hoạt động ổn định, thông suốt (không được lõm sóng, thiếu điện); bảo đảm nhân lực để triển khai các ứng dụng, tiện ích, nền tảng số (đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm, có trách nhiệm); bảo đảm 100% người dân, doanh nghiệp có nhu cầu được tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, chi phí thấp và thu hút người dân tham gia góp ý trong quá trình thiết kế, sáng tạo; hướng đến cá nhân hóa các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp; bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, tính riêng tư của thông tin, dữ liệu.

Nghiên cứu tích hợp tiếp những loại giấy tờ khác trên ứng dụng VNeID

Các Bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công an đề xuất triển khai, tích hợp tiếp những loại giấy tờ đang quản lý và cung cấp các tiện ích mới trên ứng dụng VNeID (như xác nhận tình trạng hôn nhân, thông báo thi hành án dân sự, thông tin giáo dục, đào tạo…).

Tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển hạ tầng số, nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh kết nối thông suốt với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các phần mềm nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thành trong năm 2024.

Các bộ, cơ quan tập trung sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp để cắt giảm yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp thuộc phạm vi quản lý.

Các địa phương bảo đảm nhân lực, hạ tầng kỹ thuật để cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Sổ sức khỏe điện tử qua VNeID trong năm 2024

Các địa phương bảo đảm nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện cần thiết để thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Sổ sức khỏe điện tử qua VNeID hoàn thành trong năm 2024 và thúc đẩy triển khai Bệnh án điện tử trên địa bàn. Rà soát, chuẩn hóa thông tin lý lịch tư pháp trong Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, bảo đảm kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rút ngắn thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp, hoàn thành trong năm 2024.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện tiếp cận công nghệ còn hạn chế. Quan tâm tuyên truyền, truyền thông các kỹ năng quan trọng cho người dân như chống thiên tai, bão lũ, phòng cháy, chữa cháy trên các nền tảng số.

Tối ưu hóa các tiện ích hiện có trên ứng dụng VNeID

Bộ Công an phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa các tiện ích hiện có trên ứng dụng VNeID, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn, thuận tiện, thông suốt, công khai, minh bạch.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xây dựng phương án kỹ thuật phù hợp để chia sẻ dữ liệu Sổ sức khỏe, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại trên ứng dụng VNeID cho các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo tập trung, thống nhất và tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; an toàn thông tin mạng.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia bảo đảm tiến độ để đưa vào sử dụng, khai thác trong năm 2025.

Xây dựng Sổ sức khỏe điện tử cho trẻ em, nhất là thông tin tiêm chủng (ngay từ khi chào đời) gắn với VNeID của cha mẹ

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu hoàn thiện Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, xây dựng Sổ sức khỏe điện tử cho trẻ em, nhất là thông tin tiêm chủng (ngay từ khi chào đời) gắn với VNeID của cha mẹ, người giám hộ hoặc trẻ em (nếu có); bổ sung các quy định để người dân sử dụng thay thế Sổ khám, chữa bệnh bằng giấy; thành lập Tổ giúp việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại.

Đẩy mạnh hướng dẫn các cơ sở, khám chữa bệnh và người dân thực hiện Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID; xây dựng lộ trình triển khai Bệnh án điện tử, báo cáo lộ trình trong tháng 10 năm 2024. Xây dựng giải pháp, công cụ để giám sát các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện liên thông dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại, Kết quả xét nghiệm; để cơ sở khám chữa bệnh, bác sỹ khai thác thông tin Sổ sức khỏe trên VNeID trực tiếp từ phần mềm của cơ sở khám chữa bệnh, hoàn thành trong năm 2024.

Người dân đăng ký sử dụng VNeID. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có hướng dẫn cụ thể về việc liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh và sử dụng Sổ sức khỏe điện tử, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại trên ứng dụng VNeID. Đồng thời, tái sử dụng kết quả xét nghiệm máu trên Sổ sức khỏe điện tử để các bệnh viện sử dụng, giải quyết dứt điểm tình trạng cát cứ dữ liệu.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ việc liên thông dữ liệu từ các cơ sở khám chữa bệnh, để tích hợp hiển thị thông tin sức khỏe, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại lên Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, tạo thuận lợi cho việc khám chữa bệnh theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính; thực hiện liên thông dữ liệu giữa các Cơ sở khám chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế./.