Cứu thành công 2 ca tai nạn nguy kịch: Đứt lìa cánh tay và bị đâm thấu tim gan
Các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa cấp cứu thành công hai trường hợp tai nạn nguy kịch.
Các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa cấp cứu thành công hai trường hợp tai nạn nguy kịch.
Nối thành công cánh tay đứt lìa cho nạn nhân bị tai nạn lao động
Các bác sỹ liên chuyên khoa Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ vừa thực hiện phẫu thuật cấp cứu tối khẩn, nối liền và bảo tồn cánh tay trái của nạn nhân bị đứt lìa do tai nạn lao động.
Rạng sáng 6/11, nạn nhân P.M.T (nam, 36 tuổi, trú tại ở huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ) đang vận chuyển vật liệu xây dựng tại công trường thì tay áo vướng vào bánh răng của ròng rọc nên bị cuốn vào và cắt đứt lìa cánh tay trái.
Nạn nhân được đồng nghiệp sơ cứu và chuyển ngay vào Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cùng với cánh tay trái bị đứt lìa.
Nạn nhân nhập viện trong tình trạng sốc chấn thương, mất máu, mạch và huyết áp không đo được, vết thương lộ xương cánh tay, lóc da lộ cơ Delta, cơ nhị đầu và cơ tam đầu.
Êkíp phẫu thuật gồm các Khoa Hồi sức cấp cứu, Ngoại Chấn thương - Bỏng, Ngoại Lồng ngực và Phẫu thuật - Gây mê hồi sức hội chẩn khẩn, phối hợp phẫu thuật cấp cứu, cầm máu, truyền dịch, máu giải quyết tình trạng sốc của nạn nhân.
Nhận thấy tình trạng rất nặng, thời gian rất gấp rút để nối nhằm cứu sống nạn nhân cũng như bảo tồn chi, êkíp phẫu thuật chỉ định chuyển phòng mổ khẩn để đồng thời vừa hồi sức vừa phẫu thuật ghép cánh tay bị đứt rời cùng lúc. Sau khi nối lại, mạch máu lưu thông tốt. Hiện, vết mổ của nạn nhân đang liền, bàn tay đã sống tốt và đang trong quá trình hồi phục.
Theo các bác sỹ, để thực hiện ghép chi thành công phụ thuộc nhiều yếu tố hiện trạng vết đứt, thời gian chuyển viện, tình trạng bảo quản chi đứt, tay nghề bác sỹ, máy móc thiết bị…
Do đó, các bác sỹ khuyến cáo người dân, trường hợp tai nạn đứt lìa chi cần nhanh chóng sơ cứu rửa vết thương bằng nước sạch, bảo quản chi bằng thùng đông lạnh (nhiệt độ lý tưởng từ 5-10 độ C).
Sau đó, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế uy tín càng sớm càng tốt (thời gian khuyến cáo sớm hơn 6 giờ).
Cứu sống trường hợp có vết thương thấu tim, gan
Ngày 11/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết vừa tiếp nhận nạn nhân Đinh V.P, 38 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn.
Tại thời điểm thăm khám ngày 9/11, nạn nhân trong tình trạng sốc cương, chân tay lạnh, vã mồ hôi, da niêm mạc nhợt, bụng chướng vừa, có 3 vết thương vùng ngực, mỗi vết thương kích thước khoảng 3-5cm… tiên lượng nguy kịch.
Bác sỹ chuyên khoa I Phạm Thanh Thịnh, Phó trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, bác sỹ trực tiếp phẫu thuật cho nạn nhân cho biết, nạn nhân Đinh V.P bị vật sắc nhọn đâm 3 nhát vào vùng ngực và mũi ức, đứt sụn sườn 5-6, bên trái có một vết thương tim, hai vết thương gan.
Trong quá trình phẫu thuật, kíp mổ tiến hành dẫn lưu màng phổi trái - mở ngực và thấy một vết thương xuyên qua màng ngoài tim, gây thủng tâm nhĩ phải kích thước khoảng 4cm cùng khoảng 300ml máu cục.
Sau đó, các bác sỹ lấy sạch máu cục màng ngoài tim, khâu kín vết thương tâm nhĩ phải cầm máu, bảo tồn tối đa các nhánh mạch vành phải, bơm rửa, đặt một dẫn lưu màng ngoài tim, khâu sụn sườn - xương ức và vết thương thành ngực.
Kiểm tra gan trái có hai vết thương kích thước khoảng 7cm và 5cm xuyên từ trên xuống mặt dưới hạ phân thùy II, III và IV, xuyên vào bờ trên thân tụy, kích thước khoảng 0,5cm.
Đồng thời, các bác sỹ tiến hành khâu ép các vết thương gan cầm máu, bờ trên tụy, phục hồi cơ hoành, rửa ổ bụng, đặt một dẫn lưu ổ bụng và đóng các vết mổ theo lớp giải phẫu.
Nạn nhân đang dần ổn định, tỉnh táo, ăn uống được, tiếp tục điều trị và theo dõi tại Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang./.