Cựu binh Ninh Bình lan tỏa tinh thần, hào khí của Chiến thắng Điện Biên Phủ
Nhiều câu chuyện, kỷ niệm thiêng liêng không thể nào quên của những người lính Điện Biên đã nhắc nhở thế hệ hôm nay cần trân trọng độc lập, hòa bình, tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí năm xưa.
Trong những ngày này, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), những ký ức một thời máu lửa hào hùng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những cựu chiến binh Ninh Bình tham gia chiến dịch năm xưa.
Nhiều câu chuyện, kỷ niệm thiêng liêng không thể nào quên của những người lính Điện Biên đã nhắc nhở thế hệ hôm nay cần trân trọng độc lập, hòa bình, tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí năm xưa.
Ký ức một thời hoa lửa
Trong căn nhà ở phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình), cựu chiến binh Bùi Kim Thoa (88 tuổi) là chiến sỹ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hiện vẫn còn rất minh mẫn.
Nhớ lại ký ức năm xưa, ông Bùi Kim Thoa cho biết, ông nhập ngũ tháng 1/1954, được biên chế về Trung đội vận tải (thuộc Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, Quân đoàn 1) và được nhận nhiệm vụ hành quân lên Điện Biên Phủ.
Đơn vị của ông đã tham chiến trực tiếp trong những trận cuối tại chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cựu chiến binh Bùi Kim Thoa xúc động chia sẻ dù đã 70 năm trôi qua, nhưng âm vang của những trận chiến đấu khốc liệt cùng đồng đội ở đồi A1, Him Lam, Mường Thanh, Bản Kéo... hay những buổi thâu đêm đào hào, kéo pháo, băng rừng, vượt suối, lội đèo phá núi, mở đường vẫn còn vẹn nguyên trong ông.
Kỷ niệm ông nhớ nhất là sau 56 ngày đêm vất vả gian lao, đến 15 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, tướng De Castries bị bắt và tất cả mọi người nhảy lên trong niềm vui sướng.
"Lúc đó, tôi cảm thấy hạnh phúc và vô cùng tự hào. Những kỷ niệm đó luôn in đậm trong trái tim tôi; giúp tôi có thêm nghị lực, rèn luyện để tham gia các chiến dịch kế tiếp,” ông Thoa bồi hồi nhớ lại.
Từng đi qua hai cuộc chiến, song đối với ông Vũ Quang Thìn (90 tuổi, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô) việc được tham gia quân đội và được góp sức mình trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là một vinh dự. Đó cũng là một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời.
Cuối năm 1953, khi có lệnh tuyển tân binh, ông Thìn đã tình nguyện gia nhập quân đội và được biên chế vào lính của Đại đội 277 (Tiểu đoàn 79, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308). Sau hơn 3 tháng hành quân liên tục, băng rừng, lội suối, vượt qua sự truy kích của quân địch, cuối cùng đơn vị của ông cũng lên được đèo Pha Đin và được chỉ huy đơn vị thông báo chỉ còn cách Điện Biên Phủ hơn 70km nữa.
Lúc đó, ông biết chắc chắn rằng mình vinh dự được tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Kỷ niệm ông Thìn nhớ nhất khi tham gia Chiến dịch là cuộc chiến đấu tại khu vực đồi A1 vào cuối tháng 3/1954.
Ông cho biết để tấn công vào cứ điểm của địch, các chiến sỹ của ta phải đào chiến hào. Trời mưa dầm, gió rét, lương thực khó khăn, có hôm mưa ngập đến đầu gối khiến công việc này càng trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, quân địch tổ chức rất nhiều cuộc phản kích. Tuy nhiên, với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh," ông cùng các đồng đội ban ngày tập trung đánh địch, ban đêm đào hào. Cứ như vậy, đêm này qua đêm khác, chiến hào cứ dài dần theo bước tiến tấn công của bộ đội ta.
Chiến đấu gan dạ, ông Thìn cùng đồng đội đã từng bước bao vây, tiêu diệt địch ở đồi A1, cứ điểm quan trọng nhất của toàn bộ khu phòng ngự phía Đông của địch, góp phần cùng các đơn vị tiến vào trung tâm Mường Thanh, chiếm sở chỉ huy địch, bắt sống tướng De Castries vào chiều 7/5/1954.
Cùng với đồng bào và chiến sỹ cả nước, quân và dân Ninh Bình đã dành mọi nguồn lực, công sức đóng góp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Phong trào tòng quân, nhập ngũ diễn ra sôi nổi, không ít lá đơn được viết bằng máu.
Hướng về Điện Biên diệt giặc đã thành lời hiệu triệu thiêng liêng thấm đậm vào mỗi con tim tuổi trẻ.
Từ tháng 2- 4/1954, toàn tỉnh có 3.716 thanh niên nhập ngũ. Đến đầu năm 1954, địa phương đã có hàng chục nghìn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến có mặt khắp mọi nẻo đường cùng tiến về Điện Biên.
Họ đều mang trong mình truyền thống vùng đất Cố đô anh hùng, bầu nhiệt huyết cách mạng, góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."
Phát huy tinh thần, hào khí năm xưa
Ninh Bình hiện có 65 liệt sỹ, 163 chiến sỹ Điện Biên và hơn 4.000 dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau chiến đấu và chiến thắng, trở về với “đời thường,” các chiến sỹ Điện Biên năm xưa dù ở cương vị nào cũng luôn giữ vững bản chất “Bộ đội cụ Hồ," làm nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Họ là những nhân chứng lịch sử sống động, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình đã động viên cán bộ, hội viên phát huy tốt tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ. Hội đã triển khai nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho những cựu chiến sỹ Điện Biên đang sinh sống trên địa bàn.
Các cấp Hội đã tổ chức rà soát, hỗ trợ kinh phí sửa chữa, làm nhà mới cho cựu chiến binh Điện Biên Phủ giúp họ ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình Lê Đình Cược cho biết vào dịp lễ, Tết, kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các cấp Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động như thăm hỏi, động viên, tặng quà; đồng thời, quan tâm đảm bảo đầy đủ chế độ, chính sách, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tổ chức mừng thọ.
Những việc làm trên thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc đối với các chiến sỹ Điện Biên; đồng thời, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc ta.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khẳng định các thế hệ người dân Ninh Bình đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh và những người con ưu tú của quê hương đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trở về cuộc sống đời thường, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa đã tiếp tục góp công sức xây dựng quê hương, đất nước; là tấm gương để con cháu noi theo.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã và đang trở thành nguồn sức mạnh tinh thần, động lực to lớn để Đảng bộ, quân và dân tỉnh Ninh Bình nỗ lực phấn đấu, vươn tới những tầm cao mới.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi; tập trung chăm lo tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; chú trọng công tác giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc và thành quả cách mạng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đồng thời, địa phương huy động các nguồn lực xã hội chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình người có công.
70 năm trôi qua, những ngày tháng chiến đấu gian khổ, đầy tự hào của những người lính tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa mãi là trang sử hào hùng, truyền cảm hứng để thế hệ trẻ Ninh Bình học tập, phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên trong xây dựng quê hương, đất nước./.