Cuộc "tái đấu" của ông Biden và ông Trump: Cân tài cân sức
Điểm mạnh của ông Biden nằm ở cử tri đoàn tại các bang lớn, cùng với số liệu tích cực về lạm phát. Trong khi đó, thành tích kinh tế, sự ủng hộ của cử tri trung thành là điểm mạnh của ông Trump.
Ngày 19/3, nước Mỹ tiến hành bầu cử sơ bộ tại các bang Arizona, Florida, Illinois, Kansas và Ohio trong bối cảnh đương kim Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa đã giành đủ số phiếu đại biểu cần thiết để trở thành gương mặt đại diện cho chính đảng của mình ra tranh cử vào tháng 11 tới.
Dư luận Mỹ đã bắt đầu đánh giá tương quan lực lượng và triển vọng của hai bên trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Theo giới phân tích, điểm mạnh của Tổng thống Biden nằm ở cử tri đoàn tại các bang lớn, cùng với những số liệu tích cực về lạm phát.
Cách tổ chức bầu cử của hệ thống chính trị Mỹ khiến ông có lợi thế với tư cách là một đảng viên Dân chủ và sẽ nhận được sự ủng hộ ở một số bang lớn nhất của Mỹ.
Vào ngày bầu cử, chắc chắn ông sẽ nhận ngay phiếu bầu của cử tri đoàn ở các bang California và New York, vốn có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ, ngược lại ông Trump chắc thắng ở bang Florida.
Bên cạnh đó, dù hàng tiêu dùng ở Mỹ vẫn còn đắt so với một năm trước và đắt hơn rất nhiều so với chính quyền tiền nhiệm, song chỉ số lạm phát ở Mỹ đang giảm. Nền kinh tế Mỹ nếu tiếp tục cải thiện trước ngày bầu cử tháng 11 tới sẽ tạo lợi thế cho Tổng thống Biden.
Trong khi đó, thành tích kinh tế và sự ủng hộ của các cử tri trung thành là điểm mạnh của ông Trump. Bất kể biến động gì đang xảy ra trên thế giới, ở Ukraine, Israel, Syria hay Eo biển Đài Loan, thì túi tiền là vấn đề mà hầu hết người dân Mỹ nghĩ đến khi bỏ phiếu. Như vậy, cựu Tổng thống Trump có lợi thế vì trong nhiệm kỳ của ông, nền kinh tế Mỹ vận hành khá tốt.
Cùng với đó, ông Trump được sự ủng hộ rất lớn từ nhóm cử tri trung thành, bao gồm những người thuộc phong trào MAGA (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại), người Mỹ da màu và người gốc Mỹ Latinh - vốn được hưởng lợi về kinh tế giai đoạn ông nắm quyền (2016-2020). Rất nhiều người đã bỏ phiếu cho ông vào năm 2016, 2020 sẽ tiếp tục ủng hộ ông một lần nữa. Bất chấp những rắc rối pháp lý, ông Trump nhận được sự ủng hộ 100% của những người MAGA.
Đến nay, chính khách tỷ phú này đang vận động các nhóm thiểu số tốt hơn so với năm 2016, 2020 và điều khá chắc chắn vào ngày bầu cử là rất nhiều cử tri thuộc nhóm đối tượng này sẽ đi bỏ phiếu cho ông.
Về các hạn chế, với Tổng thống Biden, giới quan sát cho rằng ông đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, trong đó tuổi tác và sức khỏe (cả thể chất và tinh thần) là điểm yếu lớn nhất.
Thứ hai, nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, rất nhiều người nghèo ở Mỹ trong tình trạng tồi tệ hơn so với 4 năm trước.
Thứ ba, tình trạng nhập cư bất hợp pháp đã trở thành một thảm họa mà chính quyền phải thừa nhận là chưa thể khắc phục.
Thứ tư, các cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến con trai ông là Hunter Biden. Cuối cùng là khoảng cách về mức độ nhiệt tình của cử tri, khi nhiều người dù không ủng hộ ông Trump, nhưng cũng không đi bỏ phiếu hoặc không bỏ phiếu cho ai, khiến ông Biden có thể bị thất thế so với đối thủ.
Về phần cựu Tổng thống Trump, thách thức đáng kể nhất là nhiều cáo trạng, nhiều phiên tòa, vốn không chỉ làm xấu đi hình ảnh cá nhân, mà còn khiến ông tốn nhiều thời gian và sức lực cho mùa tranh cử khi phải thường xuyên có mặt tại các phòng xử án. Tuy nhiên, cử tri Mỹ đều cho rằng điều này không mới và trong các cuộc thăm dò, rất nhiều người vẫn ủng hộ ông.
Trong hoàn cảnh đó, cả hai ứng cử viên đều có những phát biểu quan trọng được ví như cương lĩnh tranh cử, vạch ra đường hướng phát triển đất nước trong 4 năm tới để thu hút cử tri.
Với Tổng thống Biden, bản Thông điệp liên bang được ông trình bày hôm 7/3 - chỉ hai ngày sau bầu cử sơ bộ "Siêu thứ Ba" - là cơ hội để ông củng cố vị thế, gạt bỏ những lo ngại về tuổi tác và chứng minh cho cử tri thấy ông xứng đáng tiếp tục cầm quyền thêm một nhiệm kỳ 4 năm.
Ông phác thảo kế hoạch cho nhiệm kỳ thứ hai nếu tái cử, nhấn mạnh những nỗ lực nhằm giảm giá thuốc kê đơn cùng cam kết duy trì Đạo luật chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng (Obamacare) để đảm bảo bảo hiểm y tế cho người dân Mỹ, ủng hộ việc tăng thuế đối với các tập đoàn lớn và giàu có, cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang.
Những cam kết trên cũng được ông Biden cụ thể hóa trong ngân sách đề xuất cho năm tài khóa 2025 (bắt đầu từ tháng 10/2024), trong đó phác thảo tầm nhìn chính sách cho nước Mỹ với một danh mục chi tiêu ước tính trị giá 7.300 tỷ USD - tương tự như một đề xuất chính sách trong năm bầu cử đối với cử tri.
Về đối ngoại, chú trọng mục tiêu đảm bảo tương lai cho nước Mỹ và duy trì cam kết với các đồng minh và đối tác, nhất là các liên minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đảm bảo cạnh tranh và kiềm chế các đối thủ chiến lược là Nga và Trung Quốc, thúc đẩy hòa bình và an ninh ở Trung Đông, củng cố và nâng cao vai trò dẫn dắt của Mỹ tại các diễn đàn đa phương, đưa ra giải pháp cho các thách thức toàn cầu...
Cựu Tổng thống Trump cũng nêu một số cam kết sau bầu cử "Siêu thứ Ba" để thu hút cử tri như mở "chiến dịch trục xuất nội địa" lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, xóa sổ các băng đảng ma túy, thay thế Obamacare, đóng cửa Bộ Giáo dục và đưa “toàn bộ công tác giáo dục trở lại các bang,” xây dựng 10 thành phố mới...
Về đối ngoại, ông Trump tiếp tục yêu cầu các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu quốc phòng, tuyên bố nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine, khôi phục lệnh cấm đi lại với công dân một số quốc gia Hồi giáo.
Trong chiến lược đưa việc làm trở lại Mỹ, ông cũng hứa sẽ tiếp tục thực hiện chính sách "Nước Mỹ trước tiên" nếu đắc cử. Đề xuất của ông còn bao gồm kế hoạch kéo dài 4 năm nhằm loại bỏ dần tất cả hàng hóa nhập khẩu thiết yếu từ Trung Quốc, cũng như ngăn chặn Trung Quốc đầu tư vào Mỹ và chấm dứt các khoản đầu tư của công ty Mỹ vào Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, so với năm 2020, Tổng thống Biden gặp nhiều khó khăn hơn tại kỳ bầu cử lần này và cơ hội tái đắc cử của ông không vượt quá 50%, trong khi cánh cửa để ông Trump trở lại Nhà Trắng được cho là rộng hơn.
Các cuộc khảo sát trong tháng 1 và 2 - thời điểm bắt đầu bầu cử sơ bộ - cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Trump cao hơn ông Biden, với mức chênh lệch từ 2-4 điểm phần trăm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông Biden đã nỗ lực ghi điểm với cử tri để chuẩn bị cho màn tái đấu.
Trong hai cuộc khảo sát tiến hành trong tháng 3 của Reuters/Ipsos và Civiqs/Daily Kos, Tổng thống Biden đã vươn lên dẫn trước ông Trump với cách biệt là 1%. Mặc dù vậy, các kết quả thăm dò đều chỉ mang tính chất tương đối, chiến dịch tranh cử của hai bên được đánh giá là "ngang tài ngang sức" với chiến lược vận động phù hợp và cục diện giằng co sẽ được duy trì trong một thời gian.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Mỹ, chuyên gia Elizabeth Larus thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở tại Hawaii, nguyên Chủ nhiệm khoa Khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Mary Washington, cho rằng yếu tố quyết định trong cuộc bầu cử tháng 11 tới là nhóm cử tri độc lập ở các bang chiến địa (Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin).
Nhiều khả năng ông Trump sẽ nhận được nhiều phiếu của người da màu và người gốc Mỹ Latinh ở các bang này. Bên cạnh đó, ông Trump cần dốc toàn lực ở bang Michigan, nơi có nhiều cử tri Mỹ gốc Arab nhất, vốn phản đối việc Tổng thống Biden ủng hộ Israel trong cuộc xung đột với Palestine cũng như hành động quân sự của Israel ở Gaza.
Vòng bầu cử sơ bộ sẽ tiếp tục đến tháng Sáu, trước khi hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tổ chức đại hội toàn quốc vào trung tuần tháng Bảy và tháng Tám tới.
Mặc dù kết quả bầu cử không có ý nghĩa nhiều khi cuộc đua ở mỗi đảng đã ngã ngũ, nhưng kết quả tại các bang dao động như Arizona (ngày 19/3), Wisconsin (ngày 2/4) hay Pensylvania (ngày 24/4) rất đáng chú ý vì được cho là phần nào hé lộ bức tranh của cuộc tổng tuyển cử vào ngày 5/11./.