Cuộc khủng hoảng chính trị tại Đức khiến ngành công nghiệp lao đao
Một nhà kinh tế tại tổ chức tài chính Allianz đặt câu hỏi: Liệu nước Đức có đang đứng trước "thời khắc lịch sử" để vượt qua chông gai và vươn lên mạnh mẽ?
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Đức đang gây thêm khó khăn cho ngành công nghiệp nước này. Tình hình càng trở nên căng thẳng sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ và các căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang.
Chính phủ liên minh ba bên đầu tiên trong lịch sử nước Đức đã sụp đổ sau một loạt bất đồng, đặc biệt là liên quan đến cách thức thúc đẩy nền kinh tế đang chững lại.
Cuộc khủng hoảng chính trị đang cản trở khả năng cải cách chính sách và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
Ông Christian Kullmann, Giám đốc điều hành của tập đoàn hóa chất Evonik Industries, cho rằng trong bối cảnh khủng hoảng và bất ổn như hiện nay, con đường đi tới một cuộc bầu cử mới cần được thực hiện càng nhanh càng tốt.
Không chỉ đối mặt với thách thức trong nước, việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ đang làm dấy lên lo ngại về hàng rào thuế quan đối với các nhà sản xuất châu Âu. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đề xuất mức thuế 20% đối với hàng hóa châu Âu.
Theo một báo cáo của Viện Kinh tế Đức IW, mức thuế này có thể khiến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đức giảm tới 1,5% trong năm 2027 và 2028.
Bên cạnh đó, Đức còn đối diện với căng thẳng leo thang giữa châu Âu và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Các nhà sản xuất ôtô đang trở thành một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bất ổn địa chính trị.
Volkswagen, đã giảm lương của nhân viên, đồng thời cảnh báo sẽ đóng cửa các nhà máy ở Đức lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của hãng xe này.
Các số liệu từ LSEG I/B/E/S cho thấy lợi nhuận của các công ty Đức trong quý 3 có thể giảm 2,8%, thấp hơn so với các đối thủ ở Tây Ban Nha và Anh, trong khi các công ty châu Âu khác dự báo sẽ tăng trưởng hơn 8%.
Dù tình hình chính trị hiện tại khá u ám, một số chuyên gia vẫn nuôi hy vọng về cơ hội để Đức vượt qua khủng hoảng và trở lại con đường phát triển.
Nhà kinh tế Ludovic Subran tại tổ chức tài chính Allianz, đặt câu hỏi: Liệu nước Đức có đang đứng trước "thời khắc lịch sử" để vượt qua chông gai và vươn lên mạnh mẽ?./.