Cuộc gọi hỏi tiêm phòng khiến bị mất tài khoản ngân hàng là tin giả

Cơ quan chức năng xác định thông tin về “cuộc điện thoại hỏi tiêm phòng” đang lan truyền trên mạng xã hội chỉ là tin giả.

Nội dung được người dùng chia sẻ trên mạng xã hội là giả mạo. (Ảnh: VAFC)

Nhiều người dùng mạng xã hội Facebook chia sẻ trong ngày 29/8 về một nội dung cảnh báo bị ăn cắp tài khoản ngân hàng qua gọi điện thoại. Theo đó, nội dung cảnh báo ghi nạn nhân nhận được một cuộc gọi không rõ người gọi, số gọi hỏi thăm về việc tiêm phòng vaccine.

Người nhận cuộc gọi được chọn trả lời: "Nếu chưa được tiêm phòng, hãy nhấn phím 1, nếu đã được tiêm phòng hãy nhấn phím 2." Kết quả sau khi nạn nhân nhấn phím 1: "điện thoại bị chặn, thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến và thanh toán chuyển khoản thường xuyên đều được chuyển."

Thậm chí, nội dung cảnh báo còn cho biết chỉ cần bấm theo hướng dẫn trong 3 giây là nó lấy được hết thông tin tài khoản ngân hàng, hacker sẽ vô hiệu hóa điện thoại của người dùng.

Từ đó, kẻ xấu có thể rút tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân, thậm chí cho nạn nhân biết (nhìn thấy mã xác thực OTP gửi về điện thoại) nhưng không thể làm được gì vì "máy điện thoại đã bị vô hiệu hóa."

Tuy nhiên, Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (VAFC) đã đưa ra cảnh báo về tin tức giả này đang lan truyền trên mạng xã hội.

[Vấn nạn tin giả về tình hình COVID-19 ở TP.HCM: Cuộc chiến cam go]

Qua kiểm tra, xác minh từ cơ quan chức năng, VAFC khẳng định nội dung thông tin trên là giả mạo. Nhà chức trách khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả nêu trên.

Khi có yêu cầu hỗ trợ liên quan dịch bệnh, người dân hãy gọi ngay cho đường dây nóng của chính quyền địa phương, ngành y tế, công an và lực lượng chức năng khác. Vụ việc trên sẽ được chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật./.

Minh Sơn (Vietnam+)