Cuộc chiến chống lạm phát ở các nước châu Âu khó khăn hơn Mỹ
Liên minh châu Âu đang phải đối mặt với một loạt các cú sốc khác nhau, đồng thời các nhà hoạch định chính sách tại EU lâm vào tình thế khó khăn hơn nhiều so với các đồng nghiệp Mỹ.
Các nhà phân tích cảnh báo châu Âu đang phải đối mặt với vấn đề lạm phát dai dẳng và cuộc chiến chống lạm phát của các nhà hoạch định chính sách châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn Mỹ.
Vào năm 2022, lạm phát tại Mỹ đã leo lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, giá tiêu dùng của nước này đã giảm và hiện ở mức thấp hơn nhiều so với năm ngoái.
Mặc dù mức tăng lương hàng năm của người lao động ở Anh và nhiều nước thành viên Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã vượt mức tăng lương của các đối tác Mỹ trong những tháng gần đây, nhưng lạm phát tại "Lục địa Già" không giảm nhanh như Mỹ.
Trong khi châu Âu đang đối mặt với tốc độ tăng trưởng yếu, thể hiện trên hầu hết các nền kinh tế chính của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ đã ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm là 2,1% trong quý 2/2023. Con số này, cùng với dấu hiệu hạ nhiệt của thị trường lao động, đã làm dấy lên hy vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ - kiềm chế lạm phát mà không gây xuất hiện suy thoái.
Chuyên gia Katharine Neiss, cựu quan chức của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và hiện là nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Công ty Đầu tư PGIM của Mỹ, nói có những dấu hiệu khác biệt thực sự giữa hai nền kinh tế Mỹ và châu Âu. Bà phân tích lạm phát cơ bản của Mỹ đã liên tục giảm với tốc độ ổn định kể từ giữa năm ngoái. Trong khi, tại châu Âu, tốc độ giảm của lạm phát chậm hơn rất nhiều.
Ông Huw Pill, Nhà kinh tế trưởng của BoE, chia sẻ EU đang phải đối mặt với một loạt các cú sốc khác nhau, đồng thời các nhà hoạch định chính sách tại EU lâm vào tình thế khó khăn hơn nhiều so với các đồng nghiệp Mỹ.
Ông phân tích giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng vượt xa mức tăng của giá dầu. Đây là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng tới thu nhập doanh nghiệp và cá nhân. Các hộ gia đình và doanh nghiệp của EU đã phải vật lộn nhiều hơn để chống lại áp lực của giá cả so với Mỹ, yếu tố khiến lạm phát ngày càng trầm trọng hơn.
[Lạm phát ở Eurozone giữ nguyên mức 5,3% trong tháng 8 năm 2023]
Hiện các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế Mỹ đang lạc quan chờ đợi kịch bản nền kinh tế lớn nhất hành tinh sẽ “hạ cánh mềm." Hầu hết đều kỳ vọng áp lực giá tiếp tục giảm bớt, khi nhu cầu giảm, nguồn cung gia tăng và thị trường lao động hạ nhiệt.
Tại châu Âu, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Goldman Sachs, Sven Jarri Stehn, nói chi phí lao động theo giờ của Eurozone đang tăng lên và lạm phát dịch vụ trên khắp châu Âu tăng cao hơn so với Mỹ. Trong tháng Tám, tỷ lệ lạm phát chung của Eurozone ở mức 5,3%, do giá nhiên liệu tăng.
Việc Chính phủ Pháp loại bỏ trợ cấp tiền điện và khí đốt đã khiến lạm phát trong lĩnh vực năng lượng của nước này tăng trở lại. Lạm phát cơ bản, không bao gồm năng lượng và thực phẩm, giảm nhẹ. Nhưng con số lạm phát 5,3% mới chỉ bằng mức của đầu năm 2022 và vẫn gần với mức cao kỷ lục được thiết lập vào tháng 3/2023.
Bà Isabel Schnabel, thành viên Ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cảnh báo rằng lạm phát ở Eurozone có thể giảm chậm hơn so với mức tăng. Bà nói, mặc dù các công ty nhanh chóng chuyển những khoản tăng chi phí lớn sang cho người tiêu dùng, nhưng khi chi phí giảm, các công ty sẽ trở nên miễn cưỡng hơn trong việc giảm giá bán cho người tiêu dùng. Tại Anh, lạm phát cơ bản trong tháng Bảy là 6,8% và lạm phát lõi là 6,9%.
Trong khi đó, tại Mỹ, lạm phát hiện ở mức 3,3%. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - loại bỏ những thay đổi đối với các mặt hàng dễ biến động, là 4,2%. Nhiều nhà kinh tế dự đoán lạm phát thấp hơn sẽ mở rộng cơ hội để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất trong năm nay và tiến tới giảm lãi suất bắt đầu từ quý 3/2024.
Nhưng với EU, các nhà kinh tế cho rằng có sự khác biệt khá lớn giữa những gì lục địa già đang phải đối mặt. Do đó, không có gì là ngạc nhiêu nếu trong năm 2024, khu vực này sẽ đối mặt với nguy cơ giảm phát thay vì lạm phát./.