Cuộc chiến chính nghĩa vì sự trường tồn hai dân tộc Việt Nam-Campuchia
Chiến tranh Bảo vệ Biên giới Tây Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa, nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, cao cả giữa Việt Nam và Campuchia.
Ngày Chiến thắng cuộc Chiến tranh Bảo vệ Biên giới Tây Nam của Tổ quốc (7/1/1979 – 7/1/2024) là dịp để tưởng nhớ về sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước cũng như sự mất mát, đau thương của nhân dân ta khi bị chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary (còn gọi là Khmer Đỏ) ra tay thảm sát dã man, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Chiến tranh Bảo vệ Biên giới Tây Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự tự vệ chính đáng của dân tộc, nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, cao cả của dân tộc Việt Nam đối với nhân dân nước bạn Campuchia.
Ngược dòng lịch sử, gần 47 năm trước, tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary đã liên tục tấn công xâm lược Việt Nam, sát hại dã man nhiều dân thường vô tội, gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đẫm máu, xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia.
Mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dùng mọi biện pháp ngoại giao hòa bình để tránh xảy ra cuộc chiến tranh, nhưng vẫn không ngăn được dã tâm xâm lược của Pol Pot-Ieng Sary.
Đêm 30/4/1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm hai năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Pol Pot đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới thuộc địa phận tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam.
Ở Ba Chúc, tỉnh An Giang, chỉ 12 ngày chiếm đóng (từ 18 đến 29/4/1978), quân Pol Pot đã giết 3.157 dân thường ở thị trấn này.
Nhà trưng bày Chứng tích tội ác diệt chủng của Pol Pot tại Khu Di tích Lịch sử nhà mồ Ba Chúc hiện vẫn còn lưu lại sự tàn bạo của chế độ diệt chủng Pol Pot đối với người dân.
Còn tại Tây Ninh, có một nơi đến nay vẫn còn lưu lại tội ác man rợ của quân Khmer Đỏ - Di tích Lịch sử Khu Chứng tích tội ác quân Khmer Đỏ Pol Pot - Ieng Sary tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên.
Di tích được xây trên nền ngôi Trường tiểu học Tân Thành, nơi 11 thầy cô giáo trẻ bị quân Khmer đỏ sát hại vào đêm 24, rạng sáng 25/9/1977. 11 thầy cô tuổi đời còn rất trẻ với đầy đủ họ tên, nguyên quán được khắc trên tấm bia còn lưu giữ trên Khu di tích để nhắc nhở thế hệ sau về tội ác không thể chối cãi mà quân Khmer Đỏ Pol Pot - Ieng Sary gây ra với đồng bào ta.
Nhắc lại câu chuyện đau thương này, ông Đào Văn Phong, nguyên cán bộ Phòng Giáo dục huyện Tân Biên (năm 1977), nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Biên nhấn mạnh, đây là "bằng chứng thép" cho thấy tội ác, sự khát máu kinh hoàng của quân Pol Pot đối với người dân Tây Ninh.
Nhân chứng sống từng chứng kiến tội ác dã man của Pol Pot gây ra cho người dân, ông Nguyễn Văn Mạnh, ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Biên nhớ lại, đêm 24, rạng sáng 25/9/1977, quân Pol Pot tập kích, tàn sát người dân ở xã Tân Lập. Quân Khmer Đỏ xua quân, bắn giết dữ dội vào người dân.
Chúng đến từng nhà ném lựu đạn xuống các hầm trú ẩn, ra tay sát hại người dân bằng cách đập đầu bằng búa, chém, đâm bằng lưỡi lê, đốt nhà. Có những gia đình, dòng họ bị sát hại lên đến cả 30 người, trong số đó có 11 thầy cô giáo.
Ông Nguyễn Văn Mạnh nhớ lại, thời điểm đó, địa phương đang thiếu giáo viên nên được tỉnh cử về 10 giáo viên của tỉnh và 1 giáo viên địa phương (trong đó có 7 cô giáo). Đêm bị sát hại, các thầy cô và xã đang tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi. Ông Mạnh khẳng định nếu ai từng chứng kiến thảm cảnh mới thấu hiểu hết nỗi đau của dân tộc trước tội ác man rợ của Pol Pot.
Trước hành động xâm lược của Pol Pot và đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 23/12/1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công-tiến công trên toàn tuyến biên giới.
Đến ngày 31/12/1978, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pol Pot, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm.
Ngày 5 và 6 tháng 1/1979, trên tất cả các hướng, Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia truy kích, tiến sát Thủ đô Phnom Penh. Ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnom Penh hoàn toàn được giải phóng.
Thạc sỹ Đào Khắc Trung - Chuyên gia Cao cấp về Campuchia (giai đoạn 1979-1985), Giảng viên Học viện Chính trị khu vực II cho biết: "45 năm Ngày chiến thắng cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, càng nhìn lại, chúng ta càng thấy vai trò lãnh đạo đầy tự hào của Đảng ta."
Việt Nam đã trải qua tổng cộng 17 cuộc chiến lớn để giữ nước, giữ dân tộc, trong đó đã chiến thắng những đế quốc hùng mạnh. Hơn ai hết, người Việt Nam hiểu được giá trị của hòa bình. Do đó, đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia, cộng với tội ác của Pol Pot gây ra đối với đồng bào, ta phải đứng lên đánh đuổi Pol Pot ra khỏi đất nước. Nhờ đó, cuộc tiến công diễn ra cực kỳ vũ bão, thần tốc, trong vòng chưa đầy 28 ngày, ta đã đuổi chúng đến tận biên giới Thái Lan.
Thượng tướng Bùi Văn Huấn, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh đây là cuộc chiến bắt buộc của dân tộc ta. An Giang là mục tiêu quan trọng của Pol Pot khi tiến hành xâm lược Việt Nam.
Trong 2 năm 1977-1978, Pol Pot liên tục tấn công các tuyến biên giới, đã có hơn 4.000 người dân An Giang bị sát hại, trong đó có hơn 3.000 người ở thị trấn Ba Chúc.
Chỉ tính riêng Trung đoàn 162 (phụ trách hơn 50km biên giới ở ba huyện Châu Đốc, An Phú, Tân Châu, tỉnh An Giang) đã có 1.200 đồng chí bị thương, 270 đồng chí hy sinh trong lúc bảo vệ tuyến biên giới.
Nói về đường lối ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta thời điểm trước khi xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, với những chính sách mềm dẻo trong từng hoàn cảnh cụ thể, Việt Nam đã được nhiều nước ủng hộ. Đây là một cuộc chiến để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ dân thường và giúp nhân dân Campuchia giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Đây là chính sách chủ trương đối ngoại xuyên suốt và không bao giờ thay đổi của Việt Nam.
Chiến thắng Pol Pot một lần nữa khẳng định ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng của nhân dân Việt Nam, là nguồn sức mạnh to lớn, đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đồng thời, đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt vong.
Hành động phù hợp thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, chí nghĩa, chí tình, sẵn sàng hy sinh cả xương máu vì mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước; là sự tiếp nối truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc./.