'Củng cố nền tảng cho sự phát triển sâu rộng mối quan hệ với OECD và Pháp'
Quan hệ Việt Nam-OECD thời gian qua đã được thúc đẩy mạnh hơn sau khi hai bên ký MOU hợp tác vào năm 2021 và Chương trình hành động triển khai MOU vào năm 2022.
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng (MCM) của OECD, kết hợp một số hoạt động song phương tại Paris, từ ngày 2-3/5/2024.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại địa bàn, trong đó nêu bật mục đích, ý nghĩa của chuyến công tác, mối quan hệ giữa Việt Nam với OECD và với nước Pháp.
- Xin Đại sứ cho biết mục đích và ý nghĩa chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại Cộng hòa Pháp và việc tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng (MCM) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Chuyến công tác của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhằm tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng Hội đồng OECD năm 2024 (MCM OECD 2024), sẽ diễn ra trong hai ngày 2-3/5/2024 tại trụ sở OECD ở Paris. Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa OECD và các nước Đông Nam Á nói chung cũng như hợp tác giữa OECD và Việt Nam nói riêng đang trên đà phát triển tốt đẹp, khi Việt Nam đang cùng Australia đồng chủ trì Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP), giai đoạn 2022-2025, với nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Từ khi đảm nhận vai trò đồng chủ trì Chương trình SEARP, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho Chương trình cũng như cho hợp tác giữa OECD và Đông Nam Á. Nổi bật nhất là hai diễn đàn khu vực OECD-Đông Nam Á cấp Bộ trưởng được tổ chức tại Hà Nội năm 2022 và 2023 với nhiều chủ đề đáp ứng yêu cầu của khu vực trong giai đoạn hiện nay, như thúc đẩy hồi phục kinh tế sau COVID-19, phát triển bền vững, tham gia vào các chuỗi cung ứng và thúc đẩy hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hàng loạt các kế hoạch, chương trình và dự án mới được OECD cùng các nước khu vực đã và đang triển khai, hướng tới những mối quan hệ và trao đổi chặt chẽ hơn, mở rộng và hiệu quả hơn.
Hội nghị cấp Bộ trưởng Hội đồng OECD năm nay do Nhật Bản chủ trì sẽ tập trung tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm. Hội nghị MCM 2024 cũng là dịp để nhìn lại mối quan hệ giữa OECD với khu vực Đông Nam Á, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Chương trình SEARP.
Chương trình SEARP được khởi động vào năm 2014, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa OECD và các nước khu vực Đông Nam Á, hướng tới hỗ trợ cho cải cách và đóng góp cho phát triển bền vững của các nước trong khu vực này. Trong năm 2024, chương trình này hướng tới tăng cường hơn nữa quan hệ giữa OECD và khu vực Đông Nam Á qua việc triển khai Khuôn khổ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của OECD (được thông qua tại MCM 2023).
- Đại sứ đánh giá như thế nào về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và OECD, cũng như các hoạt động của Bộ trưởng trong dịp này?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế chủ động tích cực và ngày càng sâu rộng hơn, đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước, Việt Nam đã tham gia làm thành viên của Trung tâm phát triển thuộc OECD từ năm 2008. Với sự hỗ trợ của chuyên gia OECD, chúng ta đã triển khai được nhiều nghiên cứu tư vấn chính sách phát triển cho đất nước trong khuôn khổ các dự án nghiên cứu song phương và khu vực. Quan hệ Việt Nam-OECD thời gian qua đã được thúc đẩy mạnh hơn sau khi hai bên ký MOU hợp tác vào năm 2021 và Chương trình hành động triển khai MOU vào năm 2022.
Trên cơ sở các khuôn khổ này, Việt Nam đã nhận được các hỗ trợ của OECD trong xây dựng, khuyến nghị về chính sách kinh tế, quản trị doanh nghiệp nhà nước, xây dựng chính sách thuế, thị trường tín chỉ carbon... Hai bên đang triển khai hợp tác tốt trong lĩnh vực tài chính, nhất là qua việc Việt Nam đã ký và phê chuẩn Hiệp định về Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS MLI) và Công ước đa phương về Hỗ trợ lẫn nhau về hành chính thuế (MAAC).
Việt Nam và OECD cũng đang tiếp tục triển khai nhiều dự án cụ thể trong Chương trình hành động triển khai MOU hợp tác giữa hai bên, trong đó có Báo cáo về chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài, Báo cáo kinh tế Việt Nam...
Bên cạnh đó, Việt Nam hàng năm đều tham gia tích cực vào các công việc của Trung tâm phát triển, như Báo cáo Triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ; Báo cáo về Chỉ số Bình đẳng giới SIGI...
Năm 2023, lần đầu tiên Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD (MCM) và đã có những đóng góp cho các chủ đề trung tâm của Hội nghị, đánh dấu bước phát triển tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam và OECD.
Tại Hội nghị MCM 2024 năm nay, trên cơ sở các yêu cầu, quan điểm phát triển của Việt Nam và triển khai mạnh mẽ ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ có các tham luận trung tâm tại các phiên chính của Hội nghị, trong đó có Phiên họp kỷ niệm 10 năm Chương trình SEARP, Phiên họp về Thúc đẩy kinh tế bền vững và bao trùm. Bên cạnh đó, Bộ trưởng sẽ có cuộc gặp với Tổng thư ký OECD Mathias Cormann về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và OECD, gặp gỡ song phương một số đối tác, trưởng đoàn các nước dự Hội nghị.
- Được biết trong khuôn khổ chuyến thăm này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng có các hoạt động thăm và làm việc tại Pháp, xin Đại sứ chia sẻ cụ thể hơn và đánh giá về sự phát triển tích cực của quan hệ Việt-Pháp?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Nhân chuyến công tác dự Hội nghị của OECD, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng sẽ có các hoạt động, tiếp xúc song phương và đa phương khác ở nước sở tại. Các hoạt động song phương với Pháp nằm trong chương trình trao đổi chính trị thường xuyên được cả hai bên dành sự quan tâm lớn nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là khi hai nước vừa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp trong năm 2023 với nhiều hoạt động phong phú, phản ánh được sự trưởng thành và phát triển sâu đậm của quan hệ hai nước.
Năm 2024 là năm tiếp nối kỷ niệm những sự kiện quan trọng về Việt Nam tại Pháp. Nếu như năm 2023 đánh dấu 50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, thì năm 2024 là thời điểm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneve, là dịp để nhìn lại lịch sử nhưng cũng là cơ hội để cùng hướng tới tương lai.
Thật sự chúng ta có nhiều tiền đề để lạc quan về quan hệ Việt Nam-Pháp, mối quan hệ đã có một sự tích lũy quan trọng cả về lượng cũng như về chất với hệ thống đối tác trải rộng và đều khắp tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương, từ bộ ngành đến doanh nghiệp, từ hội đoàn đến các thiết chế văn hóa-giáo dục.
Chính sách đối ngoại của hai nước cũng đang có điểm giao thoa quan trọng trong bối cảnh thế giới có những chuyển biến nhanh chóng và đặt ra nhiều thách thức. Trong các tiếp xúc gần đây, lãnh đạo cấp cao hai nước đã chia sẻ nhiều điểm tương đồng về các nội dung hợp tác song phương và trên nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, coi trọng và dành ưu tiên cao cho nhau trong những sáng kiến vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và quốc tế.
Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị và giao lưu nhân dân; thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ về hợp tác trên các lĩnh vực như ngoại giao, quốc phòng-an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, hàng không, chuyển đổi năng lượng, khoa học công nghệ, văn hóa, hợp tác địa phương, Pháp ngữ...
Trong dịp đến Pháp lần này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng có dịp trao đổi với Tổng thư ký Tổ chức Pháp ngữ về hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ cũng như hướng tới Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 tổ chức vào tháng 10 năm nay tại Pháp.
Có thể nói, quan hệ Việt Nam-Pháp đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ lên tầm cao mới trong những năm tới và những thập kỷ tới. Những kết quả tích cực đạt được cùng các nhận thức chung giữa hai nước về tầm nhìn của mối quan hệ đang là những nền tảng quan trọng cho các đối tác hai bên tiếp tục đưa các kết nối của mình phát triển sâu rộng hơn.
- Xin cảm ơn Đại sứ./.