Cục trưởng Nguyễn Nguyên: Năm 2023, tỷ lệ xuất bản sách điện tử vượt chỉ tiêu
Năm 2023 ghi nhận dấu ấn nổi bật của ngành Xuất bản về Chuyển đổi Số, trong đó sách điện tử là 4.600 đầu, đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm, vượt chỉ tiêu đề ra.
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ Sáu có thể xem như bức tranh toàn cảnh về ngành Xuất bản trong năm 2023. Ở đó có điểm sáng là các tác phẩm giá trị được giới chuyên gia và bạn đọc đánh giá cao, song cũng còn những mảng tối, là các hạn chế, tồn tại của ngành.
Trước thềm năm mới 2024, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus những đánh giá về ngành Xuất bản trong năm qua và nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới.
Tích cực quảng bá sách đoạt giải
- Thưa Cục trưởng, ông có thể điểm lại một số điểm nổi bật của Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ Sáu?
Ông Nguyễn Nguyên: Trước tiên, tiêu chí xét giải năm nay có sự điều chỉnh lớn. Tác phẩm đoạt giải ngoài giá trị nội dung, tính thực tiễn, còn cần đáp ứng được yêu cầu về tính lan tỏa. Sự lan tỏa của sách được đánh giá dựa trên bốn tiêu chí: Số bản sách phát hành của cuốn sách đó, thông tin báo chí về cuốn sách, đánh giá của những người trong giới và hiệu ứng truyền thông của sách sau khi đoạt giải.
Năm nay, chúng tôi cũng bắt đầu tham khảo các cơ quan báo chí trong việc đề cử các tác phẩm tham gia giải thưởng và từ năm sau, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ mời các cơ quan báo chí thể hiện vai trò tích cực hơn nữa để giới thiệu các tác phẩm dự giải.
Giải thưởng đã vinh danh các tác phẩm giàu tính sáng tạo, mang tinh thần nhân văn sâu sắc, những công trình nghiên cứu khoa học hết sức công phu, nghiêm túc, có nhiều giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao.
Về mặt khó khăn, ngành Xuất bản cũng phải đối mặt với những thách thức chung về kinh tế, doanh thu của ngành giảm, kinh phí cho giải thưởng cũng hạn chế. Chúng tôi cũng phải tranh thủ nguồn lực xã hội hóa, tìm kiếm, lựa chọn các nhà tài trợ.
Giải thưởng năm nay cũng diễn ra chậm hơn hai tháng so với năm ngoái vì chúng tôi phải tập trung tổ chức Đại hội Đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V nhiệm kỳ 2023-2027 vào tháng 7/2023. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hội Xuất bản Việt Nam đã phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ để có thể tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ Sáu.
- Trước những khó khăn như ông vừa chia sẻ, đâu là sự hứng khởi và động lực cho cá nhân Cục trưởng trong công tác tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia?
Ông Nguyễn Nguyên: Đầu tiên phải kể đến sự tham gia tích cực của các đơn vị xuất bản. Sau thời gian dịch bệnh, số lượng sách phát hành của các đơn vị đều giảm, tuy nhiên số lượng ấn phẩm dự Giải thưởng Sách Quốc gia tăng lên, cho thấy sức hút của giải đối với các nhà xuất bản.
Tiếp đó, chúng tôi cũng tri ân hơn 70 nhà khoa học, chuyên gia trong hội đồng chấm giải đã rất nhiệt tình, trách nhiệm, dành thời gian đọc và chấm các tác phẩm. Họ chính là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần lớn cho chúng tôi.
Bên cạnh đó, thành công của Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ V với sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng quyết tâm cao, tinh thần mới của Hội cũng tạo động lực cho chúng tôi bước vào mùa giải với tinh thần rất hào hứng.
Trên cơ sở đó, Hội Xuất bản Việt Nam dự kiến tổ chức buổi giới thiệu sách đoạt giải tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp Tết. Đặc biệt, chúng tôi đang tính toán để xây dựng một website với nội dung trọng tâm là quảng bá nội dung, giá trị của sách đoạt giải và rộng hơn là văn hóa đọc.
Dấu ấn Chuyển đổi Số
- Thưa ông, nhìn lại ngành Xuất bản một năm qua, ông sẽ gọi tên những từ khóa nào?
Ông Nguyễn Nguyên: Năm 2023 ghi nhận những số liệu nổi bật của toàn ngành về Chuyển đổi Số như: Quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 đạt 80 tỷ đồng; số lượt nghe sách nói trong năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022); số tựa sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt 12% so với chỉ tiêu đề ra) tỷ lệ Nhà Xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm Điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so với kế hoạch).
Ứng dụng Công nghệ Số là bước phát triển tất yếu của ngành Xuất bản không chỉ bởi thói quen đọc sách của độc giả đã một phần thay đổi gắn với những thiết bị thông minh, những máy đọc sách ngày một tiện dụng mà trong cả quy trình sáng tạo tác phẩm, biên tập đến in ấn và phát hành đến tay bạn đọc những cuốn sách giấy truyền thống đều đang có một sự dịch chuyển quan trọng.
Ngành Xuất bản đã ứng dụng Công nghệ Số để triển khai một số nội dung chính gồm: Số hóa Dữ liệu, tạo Dữ liệu lớn (big data) của các đơn vị, Chuyển đổi Số quy trình làm việc để làm ra các sản phẩm xuất bản đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng của xã hội.
Các đơn vị cũng phát triển nền tảng xuất bản và phát hành điện tử dùng chung nhằm giải bài toán chi phí đầu tư và chi phí khấu hao.
Trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng rộng rãi trong công tác biên tập nội dung sách và chuyển sách từ nội dung chữ sang sách nói (audio book) với các giọng đọc khác nhau, phù hợp với mọi đối tượng ở các vùng miền (text to speech), góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm của ngành xuất bản.
Chúng tôi đã phát triển nền tảng tổ chức hội sách, triển lãm sách trực tuyến, chẳng hạn như sàn Book365.vn.
- Ngành Xuất bản có hướng phát triển như thế nào trong năm 2024, thưa Cục trưởng?
Ông Nguyễn Nguyên: Chúng tôi đang nghiên cứu các chính sách, cơ chế bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng, nghiên cứu các giải pháp và hình thành phương thức phối hợp xử lý các vụ việc vi phạm bản quyền trên không gian mạng, song song với đó là triển khai hỗ trợ các đơn vị xuất bản tăng cường truyền thông sách, phát triển thị trường sách và văn hóa đọc.
Ngoài ra, Cục sẽ thực hiện thí điểm xây dựng hệ sinh thái số trong hoạt động xuất bản và phát hành, báo cáo về xu hướng BookTok (phối hợp với TikTok).
Về giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, tôi xin đưa 6 vấn đề gồm:
Một là xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành thực hiện Chuyển đổi Số phù hợp với thực tế phát triển, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Hai là có chính sách thích hợp nhằm khuyến khích các công ty công nghệ đầu tư phát triển các nền tảng dùng chung cho xuất bản và phát hành điện tử, các nền tảng kết nối người đọc, giúp cho người đọc tiếp cận được các nội dung số một cách dễ dàng, hướng tới mạng xã hội dịch vụ sử dụng/đọc sách
Ba là phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên nguyên tắc cơ sở dữ liệu tập trung, chia sẻ được lưu giữ hệ thống và lâu dài.
Bốn là xây dựng và phát triển nền tảng số: Triển khai sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử trong toàn ngành; phát triển các nền tảng siêu ứng dụng di động trong việc cung cấp các dịch vụ công; hoàn thành cơ sở dữ liệu Xuất bản, In và Phát hành để từ đó có tham mưu xây dựng các chính sách về xuất bản.
Năm là nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, nhân viên, người lao động tại các đơn vị.
Sáu là đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống khi Chuyển đổi Số.
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.