Cử tri mong đợi sớm có hệ thống tổ chức bộ máy tinh gọn, hiện đại
Cử tri và nhân dân mong đợi sớm có được một hệ thống tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu năng, hiệu quả.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 41, sáng 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2024.
Trình bày Báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự phấn khởi trước những thành tựu đạt được về kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của cả nước trong năm qua; đánh giá cao sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; sự vào cuộc một cách chủ động, kịp thời của Quốc hội với những quyết sách phù hợp, sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cũng như toàn thể hệ thống chính trị.
Cử tri và nhân dân đồng tình cao tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
Cử tri và nhân dân mong đợi sớm có được một hệ thống tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu năng, hiệu quả để tạo tiền đề cho đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cử tri và nhân dân ghi nhận sự đổi mới tư duy xây dựng pháp luật nhằm vừa bảo đảm quản lý nhà nước có hiệu quả, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; triệt để cắt giảm thủ tục hành chính; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong các quy định pháp luật.
Cử tri và nhân dân đồng tình với quy định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025 đồng thời mong muốn các cơ quan chức năng sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý đối với các đơn vị, cá nhân tàng trữ, mua bán trái phép thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn lo lắng về một số hiện tượng thường xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán như:
Hàng hóa tăng giá do nhu cầu tiêu thụ tăng; giá vé xe tăng cao khiến người dân bức xúc, gây khó khăn cho đời sống người dân, nhất là các đối tượng sinh viên, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu về quê nghỉ Tết…
Bên cạnh đó là tình hình ùn tắc, tai nạn giao thông trong các dịp lễ, Tết; tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép vẫn tiếp diễn.
Tình hình tội phạm đường phố, nhất là nạn cướp giật dự báo diễn biến phức tạp hơn.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn, nhất là ở Hà Nội.
Tình trạng ngộ độc thực phẩm và các vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản liên tiếp xảy ra thời gian gần đây ở Hà Nội, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh làm chết và bị thương nhiều người…
Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương quan tâm công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại các địa phương; có các giải pháp để bảo đảm ổn định thị trường, giá cả trong dịp Tết Nguyên đán nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế; có giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường.
Bộ Giao thông vận tải tăng cường các biện pháp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tăng giá vé trái quy định.
Bộ Công an đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa cướp giật vào thời điểm cận Tết; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các phương tiện giao thông chở hàng quá khổ, quá tải, vi phạm quy định về tải trọng, quá khổ giới hạn lưu hành trên đường bộ; có các giải pháp cũng như kế hoạch cụ thể để kiểm soát chặt, hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông trên tất cả các tuyến đường để bảo đảm an toàn giao thông, nhất là khi các hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa sẽ tăng cao để kịp thời phục vụ Tết Nguyên đán.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết qua theo dõi, hiệu ứng lan tỏa của Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ rất tích cực; ý thức tham gia giao thông của người dân được cải thiện.
Tuy nhiên, hệ thống tín hiệu giao thông có chỗ hoạt động chưa đảm bảo đúng quy định, còn trục trặc kỹ thuật. Vì vậy, ông Vũ Hồng Thành đề nghị cơ quan chức năng quản lý, bảo trì hệ thống đèn giao thông để có cơ sở xử lý nghiêm các sai phạm.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ từ ngày 1/1/2025, nhiều luật, nghị định, thông tư có hiệu lực thi hành; các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các luật, chính sách này để nâng cao nhận thức của người dân.
Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, cơ quan chức năng bên cạnh triển khai, thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện truyền thông, đến từng hộ, từng người dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc tuyên truyền các luật, nghị định, thông tư còn chưa sâu, chưa thấm; người dân gửi nhiều tin nhắn, điện thoại để phản ánh do đó phải tuyên truyền để người dân thấu hiểu.
Đại biểu Quốc hội tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để chủ động đấu tranh với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong phiên họp sáng nay, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân./.