Cử tri hoan nghênh chủ trương sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
Cử tri Thái Bình kiến nghị Trung ương cần có cơ chế, chính sách phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp, tổ chức lại bộ máy.
Ngày 2/12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Bình Định tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Có cơ chế phù hợp đối với người bị ảnh hưởng sau sắp xếp bộ máy
Ngày 2/12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tiếp xúc cử tri tại huyện Quỳnh Phụ và Hưng Hà.
Tại các điểm tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thông báo đến cử tri nội dung kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Cử tri tỉnh Thái Bình đồng tình và đánh giá cao nội dung được thông qua tại kỳ họp này.
Theo cử tri Đặng Thanh Hội (xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà), ngày 28/9/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1201/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023-2025.
Cử tri kiến nghị Quốc hội cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ việc quy hoạch, xây dựng Khu trung tâm và đầu tư cơ sở vật chất cho đơn vị hành chính mới phục vụ nhu cầu giao dịch của nhân dân thuận lợi. Sau khi sắp xếp, các xã có dân số đông, diện tích lớn cần quy định tăng định biên, hạn chế số người kiêm nhiệm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Cử tri hưởng ứng cao tinh thần tổng kết thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW về "Tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị." Đây thực sự là cuộc cánh mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, được cán bộ, đảng viên quan tâm.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cử tri Đặng Thanh Hội kiến nghị Trung ương cần có cơ chế, chính sách phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp, tổ chức lại bộ máy...
Cử tri Phạm Văn Tuất (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có biện pháp giảm giá thành các loại phân bón, thanh tra, kiểm tra tránh tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhân dân...
Tiếp xúc cử tri hai huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thông tin đến cử tri tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 với nhiều điểm nổi bật.
Về kỳ họp thứ 8, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, nhiều đổi mới và được cử tri, nhân dân đồng thuận, đánh giá cao. Nhiều dự án quan trọng được thông qua, có ý nghĩa quan trọng như Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, tái khởi động Dự án điện hạt nhân.
Nhấn mạnh thông điệp “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” của Tổng Bí thư Tô Lâm, đặc biệt trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang tích cực triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách với quyết tâm chính trị rất cao, quan điểm “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở."
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, 2 nhiệm vụ trọng tâm Trung ương Đảng xác định trong thời gian tới là tăng tốc, bứt phá thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2024, năm 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đồng thời chuẩn bị điều kiện tổ chức Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Về công tác an sinh xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội nói chung, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công, người nghèo, cận nghèo nói riêng.
Đến nay, cả nước có 340.000 gia đình chính sách, người có công; 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở. Tuy vậy, qua rà soát vẫn còn trên 310.000 căn nhà chưa kiên cố, dột nát cần được sửa chữa, xây dựng mới. Cùng với nguồn ngân sách nhà nước, huy động xã hội hóa, Quốc hội quyết định dành nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024, quyết tâm xóa nhà tạm, nhà kiên cố trong năm 2025.
Những vấn đề cử tri nêu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có liên quan nghiên cứu, xem xét giải quyết và thông tin, trả lời đến cử tri.
Đảm bảo thị trường vàng một cách minh bạch
Ngày 2/12, tại thành phố Quy Nhơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định dự buổi tiếp xúc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Tại buổi tiếp xúc, bà Lý Tuyết Hạnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại Hội nghị, cử tri phản ánh đến đại biểu Quốc hội một số vấn đề như: tình trạng mua bán, lưu trữ vàng. Lượng vàng ngày càng lớn trong dân nhưng khi bán ra rất khó.
Cử tri phản ánh hiện tượng dạy thêm, học thêm còn nhiều ở các trường trên địa bàn. Việc sáp nhập đơn vị hành chính, cán bộ dôi dư phải thôi việc, điều này gây lo lắng trong cán bộ, công chức, viên chức.
Một số đại biểu cho rằng việc tuyển sinh đại học cần bỏ hình thức tuyển sinh qua hình thức học bạ bởi dễ xảy ra tình trạng làm đẹp học bạ và điều này dẫn đến không công bằng cho các học sinh đi thi.
Đại diện hội doanh nhân trẻ cho rằng Chính phủ cần có lộ trình, giải pháp, hỗ trợ các địa phương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở vùng sâu, vùng xa...
Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ thông báo cử tri một số vấn đề về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; việc triển khai một số dự án lớn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân như: đường cao tốc, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành…
Phó Thủ tướng thông tin việc sáp nhập một số bộ, ngành ở Trung ương; vấn đề an sinh xã hội như, quyết tâm xóa nhà dột nát, tạm bợ bằng vốn ngân sách nhà nước vào năm 2025.
Đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tiếp thu; chuyển đến cơ quan, đồng thời nghiêm túc giám sát, cơ quan thực hiện ý kiến của cử tri nêu lên.
Phó Thủ tướng cho rằng cần phải chống được buôn lậu, vàng giả, đảm bảo thị trường vàng một cách minh bạch. Các vấn đề về giảm biên chế sau khi sáp nhập bộ máy, thanh toán tiền không dùng tiền mặt, Chính phủ tiếp tục bàn và có giải pháp đồng bộ để có cơ chế, chính sách tốt nhất cho người dân…/.